Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Transerco cho biết, hai tuyến buýt mở mới đều có lộ trình chạy ra ngoại thành. Cụ thể, tuyến buýt số 93 có điểm đầu tại bãi đỗ xe buýt Nam Thăng Long và điểm đầu cuối tại Nhà văn hóa thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn; tuyến sử dụng xe 60 chỗ, chạy tuần suất 79 lượt xe/ngày - trung bình 22 - 25 phút/lượt, xe hoạt động từ 5 giờ đến 20 giờ 33 phút, giá vé bán đồng hạng là 9.000 đồng/lượt.
Tuyến buýt số 94 có điểm đầu tại Bến xe Giáp Bát và điểm cuối tại khu vực Bách hóa tổng hợp thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai), sử dụng xe 60 chỗ, xe chạy với tần suất 83 lượt xe/ngày – trung bình 20 - 25 phút/lượt, xe hoạt động từ 5 giờ 5 phút đến 21 giờ 20 phút, giá vé bán đồng hạng là 8.000 đồng/lượt.
Kể từ hôm nay Hà Nội có thêm 2 tuyến buýt chạy ra ngoại thành. |
Theo ông Nhật, việc khai trương, mở mới thêm 2 tuyến buýt trên nằm trong kế hoạch hợp lý hóa luồng tuyến, phát triển mở rộng vùng phục vụ của buýt Hà Nội. Riêng trong năm 2016, Transerco đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển và nâng cao chất lượng buýt.
Qua đó đã rà soát điều chỉnh hợp lý hóa mạng lưới 16 tuyến buýt với 10 tuyến mở rộng phạm vi phục vụ và 6 tuyến buýt phục vụ tuyến BRT; mở rộng 7 tuyến kết nối đến các khu đô thị, thị trấn, thị tứ các huyện ngoại thành: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Xuân Mai, Hòa Lạc; trong đó có 2 tuyến kết nối sân bay quốc tế Nội Bài, điều chỉnh hợp lý tần suất dịch vụ, tăng cường năng lực phục vụ đối với 6 tuyến buýt theo chủ trương “bến nối bến”.
Đánh giá về việc mở thêm các tuyến buýt và thay thế nhiều đoàn phương tiện bằng các dòng xe đời mới, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc mở các tuyến buýt mới của Transerco sẽ phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân các xã ngoại thành, nâng cao chất lượng dịch vụ, chính sách người dân được hưởng trợ giá xe buýt, đồng thời góp phần giảm ùn tắc, hạn chế xe cá nhân cho giao thông Thủ đô.
Theo Tiền Phong