Tin tức trên báo Người lao động cho biết, đối với bệnh viện hạng I được đề xuất tăng từ mức 80% hiện nay lên 100% mức giá trần; hạng II từ 75% lên 95% và hạng 3 là các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%; tương tự trạm y tế được tăng lên mức 85% giá trần.
Nếu được thông qua viện phí sẽ tăng mức kịch trần. |
Việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế lần này được lý giải là do chưa được tăng trong lần điều chỉnh viện phí áp dụng lần đầu cách đây gần một năm. Trong khi đó nhiều bệnh viện Trung ương và các bộ, ngành trên địa bàn thành phố đang áp dụng mức tối đa (100% giá trần) dẫn đến việc trên cùng một địa bàn, cùng một dịch vụ nhưng có hai mức giá làm ảnh hưởng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, thông tin trên báo Tuổi trẻ cho hay, đây là lần thứ hai Hà Nội đề xuất tăng viện phí trong vòng 10 tháng qua (Hà Nội đã đề xuất và bắt đầu áp dụng viện phí mới từ tháng 8/2013).
Cùng với đề xuất này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao y đức, đầu tư cơ sở vật chất cho y tế... Theo thống kê hiện nay, do có hệ thống bệnh viện Trung ương khá dày trên địa bàn, Hà Nội đầu tư rất hạn chế cho hệ thống y tế, bình quân chỉ đạt 14 giường/vạn dân, trong khi toàn quốc đã đạt 25 giường/vạn dân.
Trước đó, Hà Nội đã áp dụng viện phí mới từ tháng 8/2013, với 1.348 dịch vụ y tế đã triển khai tại các bệnh viện của thành phố. Sau khi áp dụng viện phí mới, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%, theo UBND TP Hà Nội là thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng nói chung.
Mặt bằng viện phí của Hà Nội, theo đánh giá của UBND TP, thấp hơn so với các bệnh viện Trung ương trên địa bàn, nên có chênh lệch về điều kiện cung cấp dịch vụ, ảnh hưởng tới quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế, trong khi số bệnh nhân có thẻ ở Hà Nội lại đang tăng.
Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh là vấn đề còn băn khoăn ở Hà Nội. Do có hệ thống bệnh viện Trung ương khá dày trên địa bàn nên Hà Nội chưa đầu tư xứng đáng cho hệ thống y tế của thủ đô.