Bệnh nhân mắc COVID-19 phân bố tại 121 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày gồm: Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông, Long Biên, Cầu Giấy.
Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến 23/5) là 1.598.955 ca.Như vậy, hơn một năm qua (tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay), Hà Nội ghi nhận gần 1,6 triệu ca mắc COVID-19 với 1.336 ca tử vong.Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Hà Nội còn gần 83.000 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 96 ca điều trị tại bệnh viện (tăng 2 ca so với ngày trước đó) và gần 82.900 ca theo dõi tại nhà.Về tiêm vaccine phòng COVID-19, tính từ chiều 16/5 cho đến hết ngày 21/5, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho 170.770 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 2249 /SYT-NVY yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội là đơn vị thường trực, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố triển khai các chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022 và triển khai các hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài trong cộng đồng.
Thời gian tới, các địa phương trên địa bàn thành phố cần tập trung vào phòng, chống các dịch bệnh mùa Hè như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản... với các nội dung về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành, nhất là tại các khu công trường xây dựng, nhà trọ; vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn việc tăng cường triển khai tiêm chủng đối với các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch như vaccine phòng COVID-19, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản...; thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét theo tình hình thực tế để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% theo quy mô xã, phường và sử dụng hiệu quả nguồn vaccine được cấp.
Các cơ sở y tế phối hợp với các cơ quan báo đài, các đơn vị trong và ngoài ngành tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm...
Các cơ sở y tế hướng dẫn, đôn đốc việc củng cố các đội chống dịch cơ động; rà soát cơ số vật tư, hóa chất, trang thiết bị, máy móc, thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch; đảm bảo tính sẵn sàng triển khai theo hoạt động thường xuyên và tăng cường, hỗ trợ tuyến dưới trong trường hợp cần thiết; rà soát, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phòng chống các bệnh truyền nhiễm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn tuyến trên; tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.