Văn bản nêu rõ, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 329 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc tương đương với cùng kỳ của năm 2019, tuy nhiên có dấu hiệu gia tăng trong hai tuần gần đây.
Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu và tay chân miệng cho TTYT các quận, huyện, thị xã. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các cơ sở y tế được phân công. Hướng dẫn các đơn vị rà soát toàn bộ đối tượng tiêm chủng để không bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng, kể cả đối tượng vãng lai và đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng sử dụng vắc xin dịch vụ. Yêu cầu các đơn vị triển khai tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng và tiêm vét cho tất cả các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là đối với những loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện việc triển khai phòng chống dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong trường học. Đồng thời, cung ứng đầy đủ Cloramin B, thuốc uống dự phòng và trang thiết bị cần thiết cho công tác xử lý dịch.
Với TTYT các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tránh bỏ sót đối tượng. Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh trong trường học. Chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập cần đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị y tế, tập huấn cho cán bộ về phác đồ cấp cứu và điều trị tay chân miệng và bệnh bạch hầu; tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nhằm hạn chế tử vong.
Để nâng cao nhận thức của người bệnh và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu cũng như tay chân miệng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Phòng chống bệnh tay chân miệng cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ. Phòng bệnh bạch hầu bằng cách đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; người mắc bệnh phải được đến khám, điều trị và cách ly tại cơ sở y tế.
Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng, lượng mưa nhiều khiến cho các bệnh như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng,viêm não Nhật Bản,... có thể gia tăng nhanh chóng trong mùa hè. Chính vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực nhất.
Đơn cử như việc vệ sinh môi trường thường xuyên; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi. Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ. Không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý để bón cây trồng. Tiến hành diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.