Báo An ninh thủ đô cho hay, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ngày 29/1 đã thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội danh "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" sang tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đối với cựu Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, bà Trần Thị Thắng cùng con trai.
Trước đó, tháng 5/2015, CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thắng và con trai là Nguyễn Mạnh Cường (đều trú tại xã Thạch Sơn) và Trần Thị Hà (trú ở xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Thời điểm đó, các bị can đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Bà Thắng tại thời điểm bị CQĐT tống đạt quyết định khởi tố bị can - Ảnh: báo ANTĐ
Ngày 8/5/2015, lực lượng công an bắt được Trần Thị Thắng khi cựu Chủ tịch xã Thạch Sơn đang lẩn trốn tại khu đô thị bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Một tháng sau, Trần Thị Hà bị bắt khi đang trốn tại địa bàn quận 12, TP.HCM. Riêng Nguyễn Mạnh Cường đã trốn ra nước ngoài và đang bị CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Interpol xác minh, truy bắt.
CQĐT bước đầu xác định, mặc dù không có chức năng tuyển dụng, đưa người sang Cộng hòa Cyprus lao động, nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10/2014, bà Thắng đã nhận gần 2,6 tỷ đồng của 29 người, với cam kết đưa họ sang nước này lao động. Trong số đó, 11 trường hợp đã xuất cảnh.
Tuy nhiên, điều kiện làm việc và thu nhập nơi xứ người không như những gì mà bà Thắng và Nguyễn Mạnh Cường từng cam kết. Người lao động không được ký hợp đồng lao động, không được trả lương. Nhiều trường hợp đã phải ra trình diện với cơ quan công an nước sở tại hoặc tìm cách liên hệ với gia đình, người thân ở trong nước nhờ can thiệp để được trở về nước.
Liên quan đến vụ việc, báo Tri thức trực tuyến cho hay, trong số các bị hại của cựu chủ tịch xã, có vợ chồng chị Hạnh ở xã Thạch Sơn. Gia đình này có quan hệ họ hàng với bà Thắng.
Năm 2014, trong một lần đến chơi nhà chị Hạnh, Thắng gợi ý giúp vợ chồng này sang Cộng hòa Síp làm việc cùng con trai bà ta là Nguyễn Mạnh Cường (34 tuổi). Bà chủ tịch nói vợ chồng chị Hạnh, nếu đồng ý đi sẽ được ký hợp đồng làm việc cho một công ty may, thu nhập 15-17 triệu đồng/tháng.
Thấy người họ hàng giới thiệu, chị Hạnh và chồng tin tưởng. Họ cầm cố sổ đỏ nhà ở, vay thêm để có 240 triệu đồng đưa cho bà Thắng.
Khi đã cầm tiền, bà Thắng báo rằng do công ty may chưa tuyển người, trước mắt vợ chồng chị Hạnh sẽ làm công nhân chăm sóc vườn cây, việc nhẹ nhàng.
Sau nhiều tháng chờ đợi, vợ chồng chị Hạnh cùng một số người khác được làm thủ tục xuất ngoại. Đến Cộng hòa Síp, họ được một người phụ nữ bản địa xưng là bạn của Cường ra sân bay đón, chở về một trang trại. Họ bị thu toàn bộ giấy tờ tùy thân, hộ chiếu.
Theo lời nữ bị hại, vợ chồng chị và nhiều người khác phải làm việc 13-14 giờ mỗi ngày, trưa chỉ ăn bánh mì. Họ làm việc không được trả lương, không được ký hợp đồng lao động.
Gọi điện thoại về nước hỏi bà Thắng, vợ chồng chị Hạnh được người họ hàng động viên cố ở lại kèm lời hứa sớm chuyển việc. Để xoa dịu bức xúc của người họ hàng, bà Thắng gửi cho họ 46 triệu đồng tiền lương.
Sau nhiều lần yêu cầu bà Thắng cho về Việt Nam bất thành, các bị hại nhờ đến cơ quan chức năng địa phương.
Họ sau đó được đưa về nước bằng đường ngoại giao, trải qua 9 tháng lưu lạc ở đất khách. Về nước, vợ chồng Hạnh cùng một số người dân làm đơn trình báo đến các cơ quan chức năng.
HẠNH VŨ