Ngày 17.9, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại dãy nhà trọ gần cổng bệnh viện Nhi Trung ương. Hàng trăm người dân hoảng hốt bỏ chạy. Khoảng 20 phút sau, lực lượng cứu hỏa có mặt.
Đến 21h, ngọn lửa được khống chế hoàn toàn, tuy nhiên lực lượng cứu hỏa vẫn làm việc đến nửa đêm để khám xét các dãy nhà.
Tuy nhiên, sau 4 ngày kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn, cơ quan chức năng phát hiện hai thi thể trong nhà trọ. Phần thi thể nằm trên lớp tro đen, dưới đống tôn đổ nát, thuộc phần đất của ông Nguyễn Thế Hiệp, chủ khu nhà trọ giá rẻ dành cho bệnh nhân nghèo.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết đây là sự cố hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Hậu quả xảy ra là hết sức đau lòng khi có 2 người tử vong và nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại.
Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các Cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy sẽ là căn cứ xử lý theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.
Trường hợp nguyên nhân cháy là do lỗi vô ý, bất cẩn của cá nhân trong sinh hoạt là nguyên nhân trực tiếp phát sinh hỏa hoạn gây hậu quả thiệt hại về tính mạng, tài sản có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp nguyên nhân cháy là hành vi cố ý phóng hỏa đốt nhà gây hậu quả thiệt hại về người và tài sản thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội giết người và Tội hủy hoại tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Hỏa hoạn do chập cháy điện, chủ dãy phòng trọ xử lý như nào ?
Quy định tại Phụ lục I, Nghị định 79/2014/NĐ-CP có đưa ra danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy.
Theo đó, dãy nhà trọ cấp 4 của ông Hiệp không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16.12.2014 của Bộ Công an.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động chủ nhà và người thuê nhà phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo Điều 9 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về PCCC.
Như vậy, nếu có căn cứ xác định nguyên nhân gây hỏa hoạn là do chập cháy thiết bị điện trong phòng trọ, đây được coi là rủi ro khách quan. Trong trường hợp này chủ nhà trọ không có lỗi gây ra hỏa hoạn.
Tuy nhiên, việc ông Hiệp mở dãy phòng trọ dù là mục đích nhân ái cũng cần phải đăng ký hoạt động với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh.
Nếu trường hợp ông Hiệp chưa thực hiện việc đăng ký kinh doanh thì có thể bị xử phạt hành chính theo điều 6, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định”.
Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 8 năm:
a) Làm chết 2 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 3 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.