Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 13/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng (442/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,58%); Nghệ An (430/467 đại biểu biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,17%); Thanh Hóa (414/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 82,97%); Thừa Thiên - Huế (436/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 87,37%).
Báo cáo, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên -Huế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng thí điểm cho các tỉnh, thành trên đều đã được các Nghị quyết của Bộ Chính trị quán triệt.
Các tỉnh, thành được lựa chọn là các địa phương có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế. Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, có tiềm năng nhưng chưa có cơ chế bứt phá.
Thừa Thiên- Huế là cố đô có bề dày lịch sử, đặc thù văn hóa song năng lực tài chính rất hạn chế. Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện kết quả thực hiện đối với các địa phương hiện đang thực hiện trước khi ban hành Nghị quyết; cần có Nghị quyết đặc thù cho từng vùng, miền, ưu đãi cho miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; đề nghị đánh giá tác động của chính sách đối với thu ngân sách. Có ý kiến đề nghị hạ mức trần dư nợ, tránh ảnh hưởng địa phương khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc quy định mức trần dư nợ vay đối với các địa phương là nhằm tạo dư địa cho các địa phương chủ động huy động nguồn lực, trên cơ sở tổng kết sẽ xác định mức phù hợp.
Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, căn cứ nhu cầu huy động, dự kiến khả năng thu, khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ của từng địa phương, hằng năm Quốc hội quyết định mức vay cho từng địa phương, bảo đảm điều tiết hợp lý, công bằng.
Như vậy, việc áp dụng cơ chế này không ảnh hưởng đến dư địa vay của các địa phương khác. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như quy định tại Dự thảo Nghị quyết.