Họ đã khóc như thế…

Sau cú điện thoại giữa đêm báo tin chồng gặp nạn ở Hoàng Sa, cả vùng chài ven biển đầy tiếng khóc bi thương. Để rồi những ngày tiếp theo, một lần nữa họ lại rơi nước mắt trùng phùng với chồng mình.
Họ đã khóc như thế…

Đó là các cung bậc… khóc của những người phụ nữ ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Họ là vợ, là mẹ của 34 ngư dân trên tàu cá QNa-95959 do ngư dân Phạm Phú Thành làm thuyển trưởng bị tàu lạ đâm chìm ở Hoàng Sa đêm 3/5 vừa rồi.

1. Trước khi đoàn tụ chồng, trong những ngày sống trong âu lo, có người thủ thỉ đến tội nghiệp: “Lẽ nào thêm một lần Chachu?”. Giật mình giở lại, cái vụ tàu cá 34 ngư dân Bình Minh bị đâm chìm, tròm trèm tròn 10 năm sau cơn bão Chanchu 2006. Cũng vào tháng 5 và ở Hoàng Sa. Nhưng Chanchu của 10 năm về trước, là bởi thiên tai, còn vụ việc vừa rồi, là bởi nhân tai.

Có người lí nhí, rằng lần trước đại tang ở thôn Hà Bình, còn lần này, nếu có, thì đại tang ở thôn Bình Tịnh. Rồi chặc lưỡi, cũng rứa mà thôi, vì nỗi đau thì làm quái gì có sự khác nhau. Có chăng, lần trước người ta ngửa cổ, khóc than trời như một bản năng. Còn những ngày qua, người ta khóc bởi uất ức, cũng dễ hiểu, người đối với người như thế, thì nước mắt nào mà không rơi. Như “cha đẻ” của phim tài liệu nổi tiếng “Chuyện tử tế” Trần Văn Thủy viết rằng, chỉ có xúc vật mới quay lưng lại trước nỗi đau của đồng loại.

Trong đêm 34 ngư dân trở về Bình Minh, tôi hỏi một cụ già, rằng ông có con cháu nào trên tàu cá QNa-95959 không? Ông lắc đầu. Cười: “Tai qua nạn khỏi rồi. Mừng quá”. Rồi thở dài như cái vốn có của người già: “Như một cuộc sắp đặt hỉ? Ông trời, ổng “kêu” ai, thì người ấy “dạ”. May mà ổng không kêu ai cả”.

Cái sự sắp đặt ấy của ông trời, nếu có, thì quả là không công bằng. Trong buổi sáng chờ đợi ngư dân trở về ở Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC), lọt thỏm giữa những người vợ trẻ, có một bà cụ mãi miết đôi mắt theo những hướng vô định, rồi dừng lại ở biển. Bà cứ ngồi im như thế, rặt một dáng buồn. Bà tên Nguyễn Thị Tấn, 69 tuổi, ở thôn Hà Bình (xã Bình Minh). Bà không khóc, có lẽ đã hết nước mắt. Hoặc bà đã chai sạn với cảm xúc khổ đau.

Họ đã khóc như thế… ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Tấn, 69 tuổi, thẩn thờ chờ 2 người con trai trở về. Sau bão Chanchu 2006, bà đã mất một con trai.

Vẫn biết con trai mình đã qua hiểm nguy, và đang an toàn trở về, nhưng bà bảo, trong đầu mình, cứ đan xen mãi hình ảnh mất mát. Là của 10 năm về trước, cơn bão Chanchu đã lấy đi của bà một người con trai. Hai người con trai còn lại, đều gặp nạn trên tàu QNa-95959. Hóa ra, khi nỗi đau đi ngang một lần, rồi chực chờ tái diễn, nó không làm người ta quằn quại nữa. Nhưng đủ để hiểu, vì sao biển mặn.

Họ đã khóc như thế… ảnh 2

Chị Bùi Thị Luận, vợ thuyền trưởng tàu bị đâm chìm.

Ở một góc khác, chị Bùi Thị Luận, 48 tuổi, vợ của thuyền trưởng tàu bị đâm chìm QNa-95959 Phạm Phú Thành (thôn Bình Tịnh) nước mắt ngắn dài. Thi thoảng, chị nghe điện thoại. Đấy là những cuộc gọi đến chồng đang trên tàu SAR 412 của Danang MRCC trở về đất liền. Cúp máy, chị thông báo cho những phụ nữ khác, rằng sẽ không lâu nữa đâu, họ sẽ được ôm chồng. Cái thông báo của chị, khiến nhiều phụ nữ bật khóc. Đó là nước mắt xác thực niềm tin, rằng chồng mình đã thật sự an toàn. Từ đôi mắt đỏ hoe của một nữ đồng nghiệp, tôi bắt gặp hình ảnh không thể cảm động hơn: những người phụ nữ ôm lấy nhau mà khóc, như san sẻ hạnh phúc sắp sửa sau những ngày khóc vì đau khổ.

2. Tầm 16h ngày 5/5, tiếng hú còi của tàu SAR 412 khiến tất cả phụ nữ Bình Minh bật dậy, rồi chạy nhanh về hướng cảng. Mười lăm phút sau, cuộc trùng phùng vỡ òa trong nước mắt. Nước mắt bây giờ, không chỉ riêng phụ nữ Bình Minh, mà còn hiện diện trên khuôn mặt rám nắng của các ngư dân, và đong đưa cả trên khuôn mặt thấm mệt của các thủy thủ tàu SAR 412. Những người đàn ông, bị nạn và cứu nạn, họ đã bên nhau cả một hành trình dài.

Sóng gió Hoàng Sa, không làm họ chùng bước. Nhưng thời khắc các thủy thủ dìu ngư dân từ dưới tàu SAR 412 lên cảng, những bước chân như chậm lại, không theo kịp hạnh phúc vỡ òa của những người vợ đã quá mệt mỏi vì trông ngóng. Có những người vợ, đã bỏ lỡ khoảnh khắc ôm chồng từ dưới tàu bước lên, bởi họ đã ngất vì quá hạnh phúc.

Họ đã khóc như thế… ảnh 3

Một số người vợ đã không kìm chế được cảm xúc, ngất xỉu khi thấy chồng từ tàu cứu nạn bước lên cảng.

Cách đây không lâu, trên tàu SAR 412 đang neo bờ, tôi có dịp trò chuyện với thuyền trưởng tàu SAR 412 Phạm Xuân Sơn. Lần ấy, trong vô vàn những câu chuyện đi cứu nạn, anh bảo mình ám ảnh nhất là chuyến đi 10 năm trước. Hoàng Sa sau cơn bão Chanchu, một cảnh thê lương bao trùm. Trên hành trình trở về đất liền năm ấy, chỉ vài ngư dân sóng sót, nhưng có đến hơn 80 thi thể của ngư dân lạnh tái. Nên đêm 3/5 vừa rồi, khi nhận hung tin, chỉ cần lướt nhanh qua tọa độ, anh thoáng rùng mình. Cũng may, nỗi đau không lặp lại. Chuyến hải trình dài nhất của tàu SAR 412 gần 370 hải lí, vì thế mà như ngắn lại, bỏ mặc sau lưng sóng biển sụt sùi tăm bọt. Tôi liếc nhìn, Sơn đang cố quay lưng, như muốn giấu đôi mắt ướt nhẹm.

Nên dễ hiểu vì sao, các thủy thủ và ngư dân, đã bịn rịn nhau, ôm lấy nhau lần nữa trước khi các ngư dân lên xe trở về Bình Minh. Một vài chàng ngư dân trẻ lại bật khóc, trên vai ân nhân. Trên chuyến xe mà chính quyền địa phương thuê để đưa ngư dân trở về, họ đã tươi cười, thì thoảng đôi mắt ăm ắp niềm vui khi bắt gặp lại những hình ảnh thân thuộc mà xe đi qua. Còn thuyền trưởng Thành, chậm rãi kể lại đêm kinh hoàng.

Đêm ấy, tầm 22h30, sau khi thả thúng cho các dư dân dong đi câu mực, tàu QNa-95959 bất ngờ bị một tàu khác rất to, xua đuổi, được khoảng 2 hải lý thì hết. Yên tâm, anh tắt máy tàu, đóng khóa nước, khóa dầu và thả trôi tàu. Nhưng vừa từ dưới hầm máy lên, anh đã hoảng hồn khi con tàu kia đột ngột trở lại, đâm mạnh vào tàu anh. Trong cơn hoảng hốt, anh gọi con trai và cháu đang ngủ trong cabin dậy. Và trước khi tàu chìm hẳn, anh đã nhanh trí lao đến bộ đàm để phát đi tín hiệu. Rồi ra lệnh cho hai chàng ngư dân trẻ: phải ráng sống để mà trở về!.

3. Chiếc ô tô dừng bánh trước cổng UBND xã Bình Minh, người dân lao đến, như sợ ai khác “giành” ôm hàng xóm, người thân của mình vừa trở về từ cõi chết. Hai đêm trước, Bình Minh như không ngủ, tất cả như đổ dồn ở thôn Bình Tịnh, sau khi nhận hung tin về các ngư dân này, và để san sẻ nước mắt của những người vợ. Còn đêm 5/5, Bình Minh lại thêm một đêm không ngủ, họ đến để chung vui đoàn tụ. Rồi khi nhìn các ngư dân cầm húp từng muỗng cháo tại ủy ban xã, họ mỉm cười viên mãn.

Họ đã khóc như thế… ảnh 4

Những ngư dân trở về từ cõi chết, vui cười bên chén cháo tại ủy ban nhân dân xã Bình Minh.

Trong đêm ấy, vào cái khoảnh khắc vỡ òa lần hai, tôi ước gì mình thấu được cảm xúc của ngư dân Trương Công Minh khi ôm lấy, hôn để cậu con trai út mới 3 tuổi. Cháu bé còn quá nhỏ, để hiểu thế nào là niềm vui của người thoát chết trở về. Nhưng anh Minh biết rằng, vợ và 3 con của anh sẽ chẳng phải quấn khăn tang như sự lo lắng khi tàu bị đâm và lênh đênh trên biển. Còn chị Luận, nói như nhắc lại với tôi rằng, trên chuyến tàu chồng mình bị đâm chìm, ngoài chồng, còn có một con trai, một con rể và hai người em rể của chị. Chị lại rơi nước mắt. Tôi hiểu, những dòng nước mắt này, không mặn đắng như những lần trước.

Họ đã khóc như thế… ảnh 5

Anh Trương Công Minh vui mừng khi được gặp lại con trai 3 tuổi.

Bình Minh sau đêm không ngủ, ánh vàng của ngày mới trở nên hiền hòa. Cũng giống như Bình Minh sau bão Chanchu 10 năm trước, người ta để nước mắt lẫn cả buồn vui ráo hoảnh, để mà đi về phía trước. Phía trước của ngư dân, chắc chắn là biển. Ngư dân gọi đi biển là biển dã, như một sự chông chênh biết trước, mà trong vòng luẩn quẩn mưu sinh, họ thừa biết rằng, ở đó có niềm vui và nỗi buồn. Mà chính xác, thì rủi ro nghiêng phần nhiều.Tôi hỏi thuyền trưởng Thành về dự định sắp tới. Anh cười, muốn nhanh có tàu mới để mà trở lại Hoàng Sa.

Họ đã khóc như thế… ảnh 6

Nước mắt trùng phùng.

4. Rời nhà thuyền trưởng Thành, tôi đến thôn Hà Bình, nơi được mệnh danh là “làng Chanchu”, khi mà sau cơn bão tàn khốc năm 2006, ở đây có đến 83 ngư dân vĩnh viễn nằm lại ở Hoàng Sa. Tôi ghé nhà bà Nguyễn Thị Diệp, khung cảnh hơi buồn so với lần tôi đến trước đó vào ngày 29 tháng Chạp vừa rồi. Bởi nhà chỉ có mình bà, còn bốn đứa con gái, đều tất tả trở lại Sài Gòn và Đà Nẵng mưu sinh sau Tết Bính Thân 2016. Tôi chưa kịp hỏi, bà đã thì thào, rằng những ngày qua, đã có lúc bà khóc, dù 34 ngư dân ấy, chẳng có ai là họ hàng, máu mủ.

Nhưng họ cũng như chồng bà, người đã mất cách đây 10 năm vì bão Chanchu, cũng đều lênh đênh biển cả để nuôi vợ, nuôi con. Và họ cũng như bà, cũng là vợ của ngư dân với những thấp thỏm, âu lo mỗi khi chồng ra khơi. Và trên hết, nỗi đau bà nếm trước, đi qua, giờ ở cảnh chực chờ tái hiện đối với người khác, bà khóc như lạy trời khấn phật, mong làng chài Bình Minh này, đừng trắng xóa khăn tang như 10 năm trước.

Tôi tạt sang nhà bà Nguyễn Thị Điền, người mất chồng 10 năm trước, cũng vì bão Chanchu, thấy khóe mắt đỏ hoe. Bà bảo, nghe tin 34 ngư dân trở về, bà mừng quá, khóc cả đêm. À, đêm qua, bà đã hòa vào dòng người đến trụ sở ủy ban xã, để đón các ngư dân. Chợt ước, rằng 10 năm trước, mình có được khoảnh khắc ấy, thì hay biết mấy. Rồi bà tiếp tục khóc…

Nước mắt của bà Điền, bà Diệp, hiểu là sự sướng vui, khi họ biết, những người phụ nữ khác như họ, không phải quấn khăn tang. Bởi màu trắng chết chóc, chỉ đầy rẫy khổ đau. Thảo nào, vừa mới lọt lòng, con người khóc thét lên như một sự thông báo, là tôi sến súa vậy. Bởi đến bây giờ, tôi vẫn còn ám ảnh mãi những cái nhoài người vật vả trong đau khổ, và cả cơn ngất xỉu trước ngưỡng cửa hạnh phúc trùng phùng. Suy cho cùng, nước mắt không tự nó quyết định mặn hay đắng, mà nó đơn thuần chỉ minh họa thêm cảm xúc của người khóc mà thôi. Đó không phải là tôi triết lí, mà sự thật được rút ra sau những ngày chứng kiến họ khóc. Vâng, họ đã khóc như thế…

Lê Xuân Thọ

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?