Chủ tịch Tổ chức Vườn thú Nicaragua Eduardo Sacasa cho biết các cá thể này, gồm hai con cái và một con đực, đã chào đời ngày 1/11 vừa qua, mỗi cá thể nặng gần 1 kg. Do hổ mẹ chưa thể cho bú, hổ con được cho uống sữa dê nhưng sức khỏe vẫn hoàn toàn bình thường.
Theo ông Sacasa, các cá thể hổ nuôi trong vườn thú có thể đạt đến tuổi thọ 20 năm, cân nặng 150 kg. Tháng Giêng vừa qua, một cá thể hổ Bengal cũng được sinh ra tại một vườn thú ở Managua, song chỉ sống được vài ngày.
Theo Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WWF), hổ trắng là giống hổ đột biến gene, không có ghi nhận nào về giống hổ trắng trong tự nhiên. Trên thế giới chỉ có vài chục con đang được nuôi nhốt.
Khu bảo tồn Wildcat, trung tâm nghiên cứu loài mèo tại Minnesota, cũng khẳng định hổ trắng không phải giống bạch tạng hay một loài riêng biệt, mà chúng thuộc dòng hổ Bengal, có bố mẹ mang gene lặn.
Đột biến gene lặn này cực kỳ hiếm, do đó người nuôi thường cố tình cho những con hổ giao phối cận huyết để làm tăng xác suất sinh ra hổ trắng.
Tuy nhiên, việc làm này có thể tạo ra hàng loạt vấn đề nghiêm trọng với hổ con, từ biến dạng tim, hở hàm, chân cong, mắt mờ, thậm chí hộp sọ cũng không phát triển được như hổ thường. Do đó, các nhà động vật học đã kêu gọi kiểm soát việc nhân giống hổ trắng.