Tuy nhiên, với những người dân tại ngôi làng ở châu tự trị Tây Song Bản Nạp (tỉnh Vân Nam), sự xuất hiện của voi rừng có thể khiến họ hoảng sợ, dù đây là một tỉnh có khí hậu cận nhiệt đới và từng là nơi tập trung số lượng lớn cá thể voi ở quốc gia này.
Theo ông Ma Mingliang, vị trưởng làng 42 tuổi, sau nhiều thập kỷ bị đe dọa do nạn săn bắt và cháy rừng, voi rừng gần như biến mất. Việc chúng xuất hiện trở lại trong thời gian gần đây đã buộc ngôi làng của ông Ma phải xây dựng hàng rào do lo ngại đàn voi sẽ tìm đến nơi có con người sinh sống để kiếm ăn.
Ngôi làng thường sẽ bị phong toả cho đến khi “những kẻ xâm lấn nguy hiểm” rời đi sau khi đột kích vào các vườn rau quả của người nông dân.
"Mọi thứ trước đây rất hài hòa. Nhưng giờ đây lại xuất hiện những xung đột giữa người và voi", ông Ma cho biết.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này lại được cho là do sự thành công của công tác bảo tồn.
Vào những năm 1980, voi châu Á gần như bị tuyệt chủng tại Trung Quốc, chỉ còn khoảng 150 cá thể ở vùng Tây Song Bản Nạp. Theo đánh gia của các nhà bảo tồn, lệnh cấm săn bắn vào năm 1988, cùng với đó là việc thắt chặt bảo vệ tại các khu bảo tồn, đã giúp số lượng của voi rừng tăng gấp đôi lên hơn 300 cá thể, hiện vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Với trọng lượng lên đến 4 tấn, voi rừng tiêu thụ tới 200 kg thức ăn mỗi ngày, khẩu phần ăn lớn đã buộc chúng phải mò vào các trang trại của con người. Những cuộc đột kích của đàn voi ước tính gây thiệt hại kinh tế lên đến 20 triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Chuyên gia Zhang Li từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết việc hoa màu và nhà cửa bị tàn phá, hư hại chiếm phần lớn khoản chi ngân sách bảo hiểm của vùng Tây Song Bản Nạp.
Trong giai đoạn từ năm 2013-2019 mỗi năm đàn voi đã khiến ít nhất 41 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Các cuộc tấn công thường là do những con voi mẹ bảo vệ con non hoặc những con voi đực hung hãn.
Suy giảm môi trường sống
Vụ việc đàn voi 14 con đi lạc tới Vân Nam và được đưa trở về nhà an toàn sau 18 tháng phiêu lưu đã được truyền thông Trung Quốc mô tả như một thành công trong hoạt động bảo tồn động vật hoang dã của quốc gia này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết việc môi trường sống tự nhiên đang ngày càng bị thu hẹp khiến cho việc voi phải tìm kiếm nguồn thức ăn gần nơi có con người sinh sống. Các nhà chức trách Trung Quốc đã buộc phải đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do các cuộc đụng độ giữa người và voi.
Năm 2019, vùng Tây Song Bản Nạp đã được lắp đặt một mạng lưới camera công nghệ cao kéo dài hàng trăm cây số để theo dõi quãng đường di chuyển của đàn voi rừng từ một trạm quan sát, nơi sẽ phát động cảnh báo đến cộng đồng dân cư nếu xác định được các mối nguy hiểm.
Người dân Tây Song Bản Nạp dường như đang thích nghi với hoàn cảnh mới.
Trong nhiều thập kỷ qua, nông trại trồng lúa, ngô và các loại lương thực khác của ông Lu Zhengrong luôn có mùa màng bội thu, nhưng nhiều năm trở lại đây, khu canh tác thường xuyên bị đàn voi tấn công, phá hoại.
“Những con voi hoang dã đang ngày càng đông và trở nên vô cùng rắc rối, vì vậy, gia đình tôi đã chuyển sang trồng những thứ chúng không ăn được, như chè hay cây cao su”, ông Lu cho biết.
Nhưng nhà nghiên cứu Zhang Li cho biết, chính sự thay đổi đó lại đang khiến cho môi trường sống của đàn voi ngày một bị thu hẹp.
Nhu cầu tiêu thụ chè và các sản phẩm cao su tăng cao đã khiến các đồn điền có xu hướng phá rừng để làm đất canh tác. Chính quyền địa phương đã không có những biện pháp kiểm soát tình trạng này, mà thay vào đó lại đưa đàn voi vào những khu bảo tồn chật hẹp khiến chúng ngày càng bị cô lập khỏi môi trường tự nhiên.
Vì vật, việc đàn voi đi lạc từ rừng ra phố là không thể tránh khỏi.
Sự cân bằng hài hoà
Nguyên nhân chính xác khiến 14 con voi đi lạc cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Nhưng chuyên gia Zhang cho biết "sự suy giảm và có phần rời rạc giữa các khu vực môi trường sống của đàn voi có thể là nguyên nhân chính", và tình trạng này đang ngày càng trở nên trầm trọng khi số lượng voi tăng thêm khiến chúng phải cạnh tranh để tìm kiếm nguồn thức ăn.
Ông Zhang nhận định rằng mọi thứ có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, nếu như môi trường sống của voi rừng tiếp tục bị suy giảm.
Hiện nay, Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống công viên bảo tồn quốc gia để tăng cường bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật như gấu trúc và hổ. Các nhà khoa học nước này cũng đã đề xuất xây dựng công viên bảo tồn voi tại vùng Tây Song Bản Nạp, nhưng ý tưởng này hiện đang gặp phải một số trở ngại.
Xây dựng một công viên bảo tồn đòi hỏi một khoản chi phí vô cùng tốn kém, cùng với đó là những vấn đề dân sinh nhạy cảm như giải toả đất nông nghiệp, tái định cư hàng trăm nghìn người.
Trước khi một công viên như vậy được xây dựng, có lẽ cư dân Tây Song Bản Nạp vẫn sẽ phải tìm cách chung sống với đàn voi.
“Tôi không thích ý tưởng này. Nhưng chúng ta cần đảm bảo sự cân bằng hài hoà giữa người và voi. Chúng ta phải bảo vệ chúng", lão nông Lu Zhengrong khẳng định.