‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với các cổ động viên bóng chuyền nữ Việt Nam, cái tên Kim Huệ luôn có một vị thế đặc biệt, từ một hiện tượng ở tuổi 17, cô đã vươn tới đẳng cấp của một ngôi sao. Nhìn lại hành trình đã qua, Kim Huệ vẫn tự hào rằng cô chưa từng để những bụi mờ danh tiếng che lấp cá tính của mình.
‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo
‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo ảnh 1

Kim Huệ thời là VĐV đỉnh cao phong độ.

Tấm băng thủ quân ở tuổi 19

Trở lại thời điểm năm 1999, giới mộ điệu bóng chuyền khi đó xôn xao về một cô gái 17 tuổi chơi ở vị trí phụ công được đôn lên đội 1 của CLB Bộ Tư lệnh Thông tin và tiếp tục trở thành tuyển thủ quốc gia trẻ nhất trong lịch sử, dù mới chỉ tập bóng chuyền trước đó có 2 năm. Cô gái đó là Phạm Thị Kim Huệ.

Ngoài việc sở hữu chiều cao lên đến 1m82, Kim Huệ còn khiến người hâm mộ ấn tượng bởi những cú nhảy một chân trước khi đánh bóng, mà sau này đã làm nên tên tuổi cho nữ tuyển thủ mang áo số 5 này.

Kim Huệ cho biết, khác với nhiều đồng nghiệp, cô thường có những cú đánh chậm, trung bình, nhưng xác suất ăn điểm cao. Khi được triệu tập lên tuyển để chuẩn bị tham gia giải đấu Tiền SEA Games năm 1999, Kim Huệ được dạy cú bật nhảy một chân, một kỹ thuật không mới, nhưng chỉ có Kim Huệ là làm khác so với mọi người.

“Huấn luyện viên nhận xét tôi có khả năng căn thời điểm một cách chính xác để thực hiện miếng đánh, khi tôi bật nhảy thường chỉ có 1 chắn bên phía đối phương theo kịp, như vậy là đã đủ để ăn điểm”, Kim Huệ chia sẻ. “Để thực hiện kỹ thuật đó không khó, nhưng để đạt tới độ nhuần nhuyễn thì phải rèn luyện mỗi ngày.”

‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo ảnh 2

Kim Huệ những năm tháng tuổi trẻ.

Nhưng nắm trong tay một miếng đánh lợi hại không đồng nghĩa với việc cô gái 17 tuổi dễ dàng nhận được sự tôn trọng của các đàn chị trong đội. Việc trở thành tuyển thủ trẻ nhất trong lịch sử đã tạo ra một áp lực khổng lồ đè lên vai Kim Huệ. Cô nhớ lại khi đó trong đội toàn các đàn chị hơn mình 5-7 tuổi, nên việc giao tiếp, tập luyện, sinh hoạt cũng khó khăn hơn rất nhiều so với khi ở đội nhà.

“Tôi biết rằng bản thân mình khi đó còn non nớt, nên sáng nào tôi cũng dậy sớm để đi tập hoặc nán lại thêm 30 phút đến 1 tiếng để bù vào khoảng trống kinh nghiệm so với các đồng đội”, nữ phụ công cho biết.

Nhờ kỹ năng thiên phú cùng ý chí cầu toàn, Kim Huệ nhanh chóng chiếm được một suất thi đấu chính thức, cô cũng vượt qua được khoảng cách về tuổi tác và trình độ để nhận được sự tin tưởng của các đồng đội. Thành quả cho những nỗ lực bền bỉ của Kim Huệ là chiếc băng thủ quân ở tuổi 19, cả trong màu áo tuyển quốc gia lẫn câu lạc bộ.

Với một ngôi sao đang lên như Kim Huệ, việc được trao tấm băng thủ quân là một thành tựu vô cùng to lớn, thế nhưng nữ tuyển thủ này khẳng định bản thân chưa bao giờ có tâm lý tự đắc với những thành công trong bước đầu sự nghiệp, trái lại tấm băng đội trưởng ở tuổi 19 đã khiến cô càng cảm thấy bản thân có trách nhiệm với các đồng đội và ban huấn luyện.

‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo ảnh 3

Điểm lại những cột mốc trong sự nghiệp, Kim Huệ đã 7 lần giành được huy chương bạc SEA Games, 5 lần vô địch quốc gia.

“Nhiều người có lẽ không tin, nhưng động lực giúp chúng tôi duy trì vị thế bất bại đó là vì ai cũng sợ thua, bởi nếu thua sẽ phải họp, phải làm kiểm điểm, đó cũng là bản sắc mà chỉ các đội tuyển ‘áo lính’ mới có”, cô chia sẻ.

Còn tại sân chơi trong nước, Kim Huệ cùng các đồng đội tại Bộ Tư lệnh Thông tin từng có một giai đoạn “bất bại” khi 5 năm liền giành chức vô địch quốc gia. Kim Huệ cho biết tập thể Bộ Tư lệnh Thông tin khi đó mạnh tới độ mọi người thường đùa nhau rằng “vô địch là chuyện nhỏ, không vô địch mới là chuyện lớn!”.

Điểm lại những cột mốc trong sự nghiệp, Kim Huệ đã 7 lần giành được huy chương bạc SEA Games, 5 lần vô địch quốc gia. Ở thời kỳ đỉnh cao nhất trong sự nghiệp (2002-2007), cô được giới chuyên môn đánh giá là phụ công xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á, còn khán giả luôn biết đến cô với danh hiệu “hoa khôi bóng chuyền”.

Kim Huệ chia sẻ, trong quá khứ, ngoài chế độ đãi ngộ dành cho vận động viên, cô còn có nguồn thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo, một phần nhờ vào tài năng và ngoại hình, một phần là may mắn được mọi người ưu ái. Danh tiếng đến rất sớm và rất nhanh với Kim Huệ, nhưng cô cho rằng không vì thế mà bản thân mắc bệnh ngôi sao.

“Dù trên sân tôi là người nổi tiếng, nhưng bước ra ngoài sân đấu, tôi cũng chỉ là một người bình thường, cũng mến mộ những người khác”, cô cho biết. “Tôi luôn cố gắng sống thật nhất với bản thân, khi ra đường tôi luôn mặc những bộ đồ làm mình thoải mái nhất, chứ không cầu kỳ lựa chọn như những ngôi sao giải trí.”

Khởi đầu một chương mới

Cuộc đời vận động viên luôn nỗ lực để được sống trong giây phút vinh quang dù chỉ trong một thoáng, cái giá phải trả là vô vàn chấn thương, áp lực và thậm chí là hạnh phúc cá nhân.

Khi đã bước sang chương thứ hai trong sự nghiệp, Kim Huệ mới bình tĩnh nhìn lại giai đoạn đen tối nhất trong sự nghiệp.

Đầu năm 2006, cô mắc chấn thương ống quyển và phải phẫu thuật.Hai tuần sau mổ, cô đã phải xỏ giày tập luyện vì lịch thi đấu dày đặc, dù bác sĩ khuyên nghỉ 3-6 tháng. Chấn thương lần hai là điều không thể tránh khỏi, lần này bác sĩ kết luận ca phẫu thuật sẽ là 50/50: một là vết thương sẽ lành, hai là chân sẽ yếu đi, đồng nghĩa với việc cú nhảy 1 chân của Kim Huệ sẽ biến mất.

‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo ảnh 4

Kim Huệ gác lại sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp và trở thành huấn luyện viên trưởng của CLB Ngân hàng Công thương.

“Trong giai đoạn điều trị, tôi không còn nhận được sự quan tâm của ban huấn luyện như trước, tiền phẫu thuật cũng là mình tự bỏ, có cảm giác tôi bị ngó lơ. Trải nghiệm này khiến tôi nhận ra rằng thể thao rất bạc, chỉ cần ráo mồ hôi là ráo tình cảm, do đó tôi quyết định giải nghệ, lập gia đình và sinh con”, Kim Huệ trần tình

Thế nhưng cái duyên của Kim Huệ với bóng chuyền với chưa dứt hẳn. Tới năm 2009, cô tái xuất trong màu áo Bộ Tư lệnh Thông tin, rồi sau đó “xuất ngũ”, chuyển sang CLB Ngân hàng Công thương vào năm 2012. Cô chia sẻ quyết định dứt tình với câu lạc bộ “áo lính” hoàn toàn vì lí do kinh tế.

“Lúc còn trẻ, bóng chuyền là tình yêu, còn khi đã có gia đình, tôi coi nó là một cái nghề nghiệp.Khi đó, tôi mới lập gia đình rồi sinh con, cuộc sống khó khăn quá mà lương ở Bộ Tư lệnh Thông tin không đủ sống”, Kim Huệ bộc bạch.

Bền bỉ thi đấu thêm 5 năm, Kim Huệ gác lại sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp và trở thành huấn luyện viên trưởng của CLB Ngân hàng Công thương.

Trên cương vị làm thầy, Kim Huệ cho biết cô luôn đảm bảo thời gian để các học trò của mình vừa đảm bảo chuyên môn, vừa có cơ hội trang bị các kiến thức văn hóa để chuẩn bị cho tương lai, bởi cô hiểu cuộc sống không chỉ xoay quanh trái bóng chuyền.

“Hồi còn thi đấu, tôi cũng đã quyết tâm thi đại học, dù có phải ký bản cam kết với ban huấn luyện, rồi tự túc đóng học phí và lo đầu ra”, cô chia sẻ. “Học không bao giờ là thừa. Tôi luôn khuyến khích học trò cố gắng học tiếp để sẵn sàng cho cuộc sống sau khi giải nghệ.”

‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo ảnh 5

Kim Huệ cùng đồng đội tại CLB Viettinbank lên ngôi vô địch quốc gia năm 2016.

Gắn bó lâu năm với ngành thể thao, Kim Huệ thấu hiểu những thiệt thòi mà các nữ vận động viên phải trải qua.Cô cho biết bản thân mình trước khi lấy chồng cũng chỉ làm quen vỏn vẹn trong vòng hơn một năm, nên cả hai chưa thực sự hiểu nhau. “Hôn nhân của tôi rạn nứt do đối phương không thông cảm được với công việc của mình, phần cũng do mình thi đấu quá nhiều, tập huấn quá nhiều không có thời gian dành cho gia đình”, cô trải lòng.

Kim Huệ cho biết phần lớn các nữ vận động viên bóng chuyền khi lập gia đình đều giải nghệ, rất ít người quay lại với nghề, nên có thể vì vậy sẽ phải có cái được và cái mất.Cô cho rằng ai cũng có sự lựa chọn của riêng mình, một khi đã yêu nhau, lấy nhau thì phải đồng cảm chia sẻ còn nếu không còn hợp, không còn thông cảm cho nhau sẽ rất khó để đi tiếp.

“Sự nghiệp thể thao đối với tôi không chỉ là đam mê mà còn giúp tôi đảm bảo được cuộc sống riêng, trở thành một người phụ nữ độc lập tài chính và có khả năng nuôi con”, Kim Huệ khẳng định.

‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo ảnh 6

Kim Huệ trong vóc dáng của một Golfer.

Một Kim Huệ khác

Trong quá khứ, Kim Huệ từng có thời tuổi trẻ “phá cách”, dám làm ngược lại những kỷ luật của môi trường quân đội, như cấm nhuộm tóc thì cô dám chọn các màu nổi bật, cấm xăm trổ thì cô lại là người đầu tiên trong đội đi xăm và thậm chí mở hẳn một cửa hàng xăm. Cô cho rằng đó không phải là mình giữ đặc quyền ngôi sao, mà bởi cô luôn muốn sống đúng với những gì bản thân muốn.

“Với tôi, đã làm thì không sợ bị nói. Tính cách mạnh mẽ khiến có những chuyện càng cấm tôi càng làm, không quan tâm người xung quanh thích hay không, bình phẩm ra sao vì cuộc sống là của mình”, cô khẳng định.

Cho tới khi làm mẹ và làm thầy, Kim Huệ một mặt vẫn giữ những nét cá tính trẻ trung trong quá khứ, một mặt lại dần trở nên chín chắn hơn trong cách giáo dục con gái và các học trò.

“Tôi là một bà mẹ, một người thầy nghiêm khắc, thưởng phạt rõ ràng. Cụ thể, tôi giao hẹn với bọn trẻ là nếu học và tập luyện tốt, ngoan ngoãn thì muốn gì cũng đáp ứng, còn nếu không hoàn thành những gì như chỉ tiêu đề ra thì chắc chắn sẽ không được gì cả”, cô chia sẻ.

Trước đây, Kim Huệ luôn phải tập luyện và thi đấu xa nhà, chỉ đến khi nghỉ hè, hai mẹ con mới có nhiều thời gian dành cho nhau.Trong giai đoạn giãn cách, Kim Huệ quyết định đón con gái về ở cùng. Cô trân trọng khoảng thời gian này bởi nhờ đó hai mẹ con ở bên nhau.

“Giai đoạn đó cũng là lúc tôi thường xuyên vào bếp, nấu nướng suốt ngày, nhận mọi order của con đến nỗi con tôi còn nghĩ mẹ như ‘Masterchef’ vì món gì tôi cũng làm được”, cô hào hứng kể. “Cũng qua mùa dịch, mà bạn bè tôi cũng nể phục Kim Huệ ngoài thể thao còn biết nấu ăn. Bên cạnh sở thích nấu nướng thì tôi rất mê cây cối, thích cắm hoa làm đẹp không gian. Nên khi rảnh rang là tôi quay ra chăm chút, bày biện nhà cửa.’’

Khi đã giải nghệ, Kim Huệ vẫn duy trì đam mê thể thao bằng cách tập luyện các bộ môn khác như boxing, golf hay tập yoga. Đặc biệt, nữ cựu tuyển thủ sinh năm 1982 cũng có một thú vui độc đáo là sưu tập zippo.Cô cho biết mình thích zippo bởi tiếng lách cách và hình dáng độc lạ của từng chiếc khác nhau.

‘Hoa khôi bóng chuyền’ Kim Huệ: Cuộc sống như một chiếc zippo ảnh 7

Bộ sưu tập zippo của Kim Huệ.

“Để nói về bật lửa thì sẽ thấy phần đa cùng một kiểu mẫu, chỉ thay đổi màu sắc vàng, đỏ hay trắng, nhưng zippo thì có tất cả, từ kiểu dáng đến chất liệu, rồi điêu khắc, chạm trổ, sơn mài. Tôi thấy nó có màu sắc giống như cuộc sống, có đủ hỉ nộ ái ố, rất đời”, Kim Huệ giải thích.

Có thể thấy, hình ảnh chiếc zippo cũng giống như con người và phong cách của Kim Huệ. Chiếc bật lửa chạy bằng xăng này chỉ cần một lần gạt là cháy không ngừng, dù gió có tạt cỡ nào nó vẫn không bị dập tắt. Cũng giống như mỗi lần Kim Huệ ra sân thi đấu, luôn ngùn ngụt khát vọng chiến thắng.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?