Chưa đầy 19 tuổi, Huệ được giao chiếc băng đội trưởng ở cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia - trẻ nhất trong lịch sử. |
“Thương vụ” đi ở đình đám bất thành
Ngày 11/3 vừa qua, cựu đội trưởng ĐTQG đang là HLV đội bóng Ngân hàng Công thương Phạm Kim Huệ đã gây sốc với lá đơn xin nghỉ. Được biết thời điểm đó, điểm đến mới của chị,cùng với ba cô học trò khác gồm chuyền hai Thu Hoài, chủ công Phương Anh, libero Ninh Anh, chính là Bamboo Airways Vĩnh Phúc. Đây là đội bóng hạng A mới nhận được cam kết đầu tư “khủng” từ hãng hàng không của tập đoàn FLC. Theo thông tin khi về Vĩnh Phúc, ngoài một khoản “lót tay” tiền tỷ, họ còn nhận được mức lương thuộc diện cao nhất làng bóng chuyền Việt.
Tuy nhiên vì nhiều nguyên do khác nhau mà chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ vụ hợp tác đình đám giữa bốn cô trò Kim Huệ với đội bóng Bamboo Airways Vĩnh Phúc đã bất thành.
Càng bất ngờ hơn bởi sau đó, phía nhà tài trợ của Bamboo Airways Vĩnh Phúc có công văn gửi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đề nghị không cho Kim Huệ cùng ba học trò đang ký tham gia thi đấu tại các giải đấu trong hệ thống do làm “tổn hại tới uy tín của Hãng hàng không Bamboo Airways”.
Công văn của nhà tài trợ của Bamboo Airways Vĩnh Phúc gửi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. |
Qua xem xét, Liên đoàn ra thông báo không giải quyết, đơn giản vì giữa hai bên không có hợp đồng ràng buộc mang tính pháp lý gì.
Trước thềm mùa giải, 2021, Kim Huệ cùng cả ba học trò đã đạt được thỏa thuận để có thể quay trở lại Ngân hàng Công thương. Huệ vẫn được tin tưởng giao phó trọng trách HLV trưởng, vị trí khi cô rời đội thuộc về ông thầy quen Lê Văn Dũng.
Án kỷ luật bất ngờ và phản ứng quyết liệt của Kim Huệ
Vụ lùm xùm đi ở của cô trò Kim Huệ tưởng như đã khép lại thì nó lại bất ngờ dậy sóng, với một bản án kỷ luật được đưa ra theo cách khá kỳ lạ. Cũng chính Liên đoàn trước đó thông báo không giải quyết vì hai bên không có hợp đồng ràng buộc mang tính pháp lý thì nay lại bất ngờ đưa ra án kỷ luật.
Một bản án kỷ luật được đưa ra theo cách khá kỳ lạ của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. |
Cụ thể, đúng ngày khai mạc Vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2021, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã có quyết định cảnh cáo HLV Kim Huệ và 3 cầu thủ Thu Hoài, Phương Anh và Ninh Anh.
Có thể coi án kỷ luật này, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam xác định, như một hình thức vừa “xoa dịu” nhà tài trợ của đội bóng Bamboo Airways Vĩnh Phúc vừa “giơ cao đánh khẽ” với đối tượng bị kỷ luật. Kim Huệ cùng các học trò vẫn có thể tham gia các giải đấu như bình thường.
Thời đỉnh cao 2002 - 2007, không ai ở khu vực Đông Nam Á có thể chơi hay hơn chị ở vị trí phụ công, cũng như có sức ảnh hưởng đến một đội tuyển quốc gia, một CLB như Kim Huệ. |
Chỉ có điều, quyết định kỷ luật này lập tức bị Kim Huệ phản ứng quyết liệt, nhất là chị chỉ biết nó qua các phương tiện truyền thông khi đang cùng đội tranh tài tại giải VĐQG. Thậm chí, trước khi nhận được quyết định chính thức, Kim Huệ cũng đã có trao đổi cùng Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam về án phạt và hỏi rõ lý do tại sao lại đưa ra án phạt đúng vào thời điểm nhạy cảm.
Theo Kim Huệ, chẳng ai có thể cấm bốn cô trò mình hành nghề vì chưa hề ký hợp đồng hay có rằng buộc mang tính pháp lý nào song hình thức cảnh cáo cũng đã là “án” kỷ luật, ảnh hưởng tới danh dự cá nhân mình cùng các học trò. Kim Huệ cho biết mình đang nhờ luật sư tư vấn, và sẵn sàng kiện Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, nếu không xem xét rút lại án kỷ luật.
Nhiều vấn đề “nóng” phơi bày
Sự vụ đang nổi sóng này chắc chắn sẽ còn có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, có thể khẳng định ngay về cách nhìn nhận xử lý quá hời hợt, vô lý và vô lối của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Liên đoàn đã tiền hậu bất nhất khi trước đó thông báo không giải quyết vì giữa hai bên không có hợp đồng ràng buộc gì, thì sau đó lại bất ngờ thay đổi hoàn toàn. Đáng nói hơn, những người có trách nhiệm không thể trả lời được câu hỏi dựa vào điều khoản nào, cơ sở pháp lý nào để xem xét xử lý và ra quyết định kỷ luật Kim Huệ cùng ba học trò.
Trong sự nghiệp của mình, Kim Huệ từng nhiều năm là đội trưởng đội tuyển nữ BCVN, cũng như tại Bộ tư lệnh Thông tin. Kim Huệ đã mang về tổng cộng 6 HCB trong 6 lần tham dự SEA Games. |
Từ sự vụ này cũng phơi bày nhiều vấn đề “nóng” của bóng chuyền Việt Nam, với trách nhiệm chính thuộc về chính Liên đoàn. Nói chính xác hơn, ở đây, những người có trách nhiệm chỉ nhắm vào cá nhân Kim Huệ cùng ba học trò, thay vì phải nhìn nhận toàn diện từ gốc.
Theo diễn giải của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, Kim Huệ cùng ba học trò đã chuyển nhượng không minh bạch. Dù vậy, họ cũng chỉ làm được điều đó khi có đội bóng giàu cả về kinh phí, quan hệ, mong nhanh có thành tích “chèo kéo” kiểu “đi đêm”. Họ cũng chỉ làm được như vậy khi đội bóng cũ yếu kém, lỏng lẻo. Trên thực tế, sự việc đó đã xảy ra trong bối cảnh CLB Ngân hàng Công thương Việt Nam đang rơi vào tình trạng “rã đám”, với một cuộc “tháo chạy” tập thể mà không có cách nào ngăn cản. Rõ ràng, phía HLV và cầu thủ cũng chỉ là một phần nhỏ trong sự nhốn nháo ấy. Trên thực tế, sau nhiều năm, chuyện chuyển nhượng cầu thủ không hề có ở bóng chuyền Việt Nam theo đúng nghĩa của nó, đảm bảo các quy trình, quy định. Bản quy chế chuyển nhượng cầu thủ mà Liên đoàn xây dựng và ban hành từ cách đây 10 năm đã hoàn toàn “việt vị”.
Hiện tại, Kim Huệ đang giữ kỷ lục là nữ cầu thủ duy nhất của bóng chuyền Việt Nam dự 17 mùa giải vô địch quốc gia liên tiếp. |
Giả sử Kim Huệ cùng các học trò không “lật kèo”, không xảy ra khiếu kiện từ các bên liên quan, liệu vấn đề “chuyển nhượng không minh bạch” có được đặt ra, hay đâu lại vào đấy, chỉ là một “thương vụ” đầu tư tiền tỷ hoành tráng?.
Tuy sự việc có nhiều diễn biến phức tạp nhưng có thể khẳng định ngay về cách nhìn nhận xử lý quá hời hợt, vô lý và vô lối của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.