Tranh là loại hình nghệ thuật sang trọng, điều này không cần phải bàn cãi. Trên thế giới, có những bức tranh đáng giá cả gia tài khổng lồ. Nhiều người Việt quan niệm rằng, tranh của các họa sĩ khi đã qua đời mới có giá đắt. Có vẻ điều này đã lỗi thời, khi ngay tại nước hàng xóm Đông Nam Á của ta thôi, có họa sĩ đã bán tranh của mình với giá hơn 1 triệu USD. Những yếu tố gì đã làm nên mức giá cho một bức tranh?
Phóng viên: Thưa họa sĩ Nguyễn Hiển, trên thế giới có những bức tranh ngang giá với một biệt phủ. Thế nhưng tôi thấy hầu hết đời sống các họa sĩ tại nước ta đều rất khó khăn. Có phải tranh của chúng ta không đẹp nên khó bán với giá cao?
Họa sĩ Nguyễn Hiển: Nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam đã được khẳng định từ gần 100 năm trước. Khi đó rất nhiều nước châu Á còn chưa có trường đại học đào tạo mỹ thuật. Cho đến hiện tại, Việt Nam có rất nhiều họa sĩ có năng lực rất tốt và tranh của họ cũng đạt được giá trị nghệ thuật rất cao. Tuy nhiên, chất lượng nghệ thuật của một bức tranh cao không có nghĩa là ngay lập tức bức tranh đó sẽ bán được với giá cao. Tôi cho rằng hiện nay giá tranh của phần lớn các họa sĩ Việt đang rất rẻ so với giá trị thực.
Họa sĩ Nguyễn Hiển tại một cuộc triển lãm |
Phóng viên: Có phải điều này dẫn tình trạng các họa sĩ khi qua đời mới bán được giá cao như mọi người vẫn quan niệm?
Họa sĩ Nguyễn Hiển: Không hoàn toàn như vậy. Ngay ở nước bạn Indonesia, họa sĩ I Nyoman Masidadi sinh năm 1973 thôi, nhưng đã bán được một bức tranh với giá trên 1 triệu USD. Hay ở Việt Nam cũng có một số ít họa sĩ đang bán tranh với giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD.
Thời trước, hầu hết các họa sĩ tiền bối sống trong cảnh khó khăn, tranh bán hết sức rẻ rúng là vì cả xã hội chúng ta khi đó đều rất nghèo. Không có tiền, các họa sĩ phải làm các công việc khác. Họ không dành nhiều thời gian vẽ tranh, thậm chí họ không đủ họa phẩm để vẽ. Khi họ qua đời là lúc xã hội đã phát triển hơn. Những bức tranh đó trở nên có giá bởi vì nó hiếm và mang giá trị sưu tập rất cao.
Phóng viên: Như vậy bức tranh ngoài giá trị nghệ thuật thì giá tranh còn được quyết định bởi giá trị sưu tập. Vậy làm sao để nhận biết được những bức tranh có giá thấp, nhưng sau này giá trị sưu tập sẽ tăng cao?
Họa sĩ Nguyễn Hiển: Rất đơn giản. Nếu một họa sĩ không có cá tính, không ai biết đến, vẽ rất nhiều nhưng những bức tranh đó chất lượng làng nhàng, thì chắc chắn sẽ có giá trị sưu tập không cao. Ngược lại, một họa sĩ có cá tính, có phong cách đặc trưng, có nhiều cống hiến cho xã hội, được truyền thông thường xuyên nhắc đến, vẽ không quá nhiều, các tác phẩm chất lượng cao và có triết lý riêng… thì chắc chắn tranh của họa sĩ đó sẽ có giá trị sưu tập cao. Nếu mua được những bức tranh đánh dấu từng giai đoạn, từng bước ngoặt sáng tác của họa sĩ đó thì giá trị sưu tập còn cao hơn nữa.
Họa sĩ Nguyễn Hiển tại xưởng vẽ của anh |
Phóng viên: Như anh nói, giá tranh của các họa sĩ Việt đang rẻ hơn so với giá trị thực, vậy mua tranh bây giờ là đang có lợi?
Họa sĩ Nguyễn Hiển: Đúng vậy. Bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để các nhà sưu tập mua tranh. Vì chỉ một thời gian nữa thôi, với tốc độ phát triển kinh tế thì những bức tranh đẹp sẽ không có giá rẻ như bây giờ. Khi đó, nhu cầu tranh tăng cao, các họa sĩ có thể bị cuốn theo. Có thể họ cho ra đời những tác phẩm không đủ chất lượng thẩm mỹ, hoặc những bức tranh na ná nhau. Khi đó những bức tranh có giá trị sưu tập thực sự sẽ ít đi và giá sẽ cao hơn.
Hiện tại, có rất nhiều họa sĩ trẻ bán những tác phẩm của mình với giá chỉ bằng một nửa, 1/10, thậm chí 1/100 giá trị mà nó đáng có. Người sưu tập nếu mua được những bức tranh này thì không những vừa được thưởng thức nghệ thuật, vừa là nhà đầu tư có lãi.
Tranh của Họa sĩ Nguyễn Hải Nam được nhiều người cho rằng có giá thấp hơn giá trị thật |
Phóng viên: Anh có thể tiết lộ bí quyết để chọn được một bức tranh vừa đẹp, vừa có giá trị sưu tầm mà lại không bị mua phải tranh giả?
Họa sĩ Nguyễn Hiển: Vừa qua, các phương tiện truyền thông nêu lên hiện tượng tranh nhái, tranh giả vô cùng nhức nhối. Có đơn vị đấu giá tranh đưa cả tác phẩm không rõ nguồn gốc, nhưng vẫn để tên tác giả là một nữ họa sĩ nổi tiếng. Bức tranh này sau đó đã bị tố là tranh giả, được chép lại từ một bức tranh khác. Tôi thấy ở thời đại thông tin phẳng này, những chuyên gia về tranh không thiếu gì cách để xác nhận bức tranh đó là thật hay giả, trừ khi họ cố tình làm trò ma mãnh để hợp thức hóa cho “danh phận” bức tranh giả đó.
Để mua được một bức tranh không bị giả, cách tốt nhất là bạn nên mua tranh của các họa sĩ đương thời. Bạn có thể kết bạn, làm quen, theo dõi quá trình sáng tạo của họa sĩ qua mạng xã hội. Ở đó, cộng đồng các họa sĩ đang sinh hoạt rất đàng hoàng, minh bạch và ngày ngày đưa ra các tác phẩm của mình vừa sáng tác. Tranh giả, tranh nhái sẽ không có chỗ đứng ở đó, vì cộng đồng mạng sẽ nhanh chóng phát hiện và loại trừ nó.
Theo tôi, một bức tranh đáng sưu tập ngoài sự lôi cuốn bằng vẻ đẹp (tùy theo từng người cảm nhận) thì cần để ý đến nội dung như tình cảm, sự xúc động, ý nghĩa, thông điệp của tác phẩm và tư tưởng của họa sĩ…
Tranh phải có sự sáng tạo mạnh mẽ, mang dấu ấn, triết lý riêng của người họa sĩ. Thêm một yếu tố giúp bức tranh có giá trị sưu tập cao, đó là cá tính, nhân cách, sự nổi tiếng của người họa sĩ. Tất nhiên, sự nổi tiếng ở đây theo chiều hướng tích cực, người họa sĩ này có đóng góp lớn lao gì cho xã hội, chứ không phải là “nổi” bởi những scandal tai tiếng. Nên mua tranh của các họa sĩ đang “cháy” hết mình cho sự sáng tạo. Vì chỉ có sự lao động cần mẫn mới có thể giúp họ nổi tiếng và tranh họ sẽ có giá cao trong tương lai.
Xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Hiển!