Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nói đến họa sĩ Lê Thị Kim Bạch, giới mỹ thuật nước ta luôn nhớ đến bà là một nữ họa sĩ dành trọn cuộc đời cho hội họa. Bà chấp nhận cuộc sống đơn giản nhất, không chồng con; coi vẽ tranh là cuộc sống, mỗi bức tranh vẽ ra như con đẻ nên bà không bao giờ bán tranh.
Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 1
Họa sĩ, nhà giáo ưu tú Lê Thị Kim Bạch

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vào tối qua 13/11, tại Hội Mỹ thuật TPHCM (218A Pasteur, Q.3) đã khai mạc triển lãm “Dòng chảy của lụa” của nhà giáo ưu tú, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch. “Dòng chảy của lụa” trưng bày 60 bức tranh lụa vẽ chân dung người thân, bạn bè, đồng nghiệp, phong cảnh, tĩnh vật. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 5 của nữ họa sĩ hiện ở tuổi U90 Lê Thị Kim Bạch.

Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch sinh năm 1938 tại Tân An, Long An, quê ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM. Bà tập kết ra Bắc, những năm 1956-1960 theo học Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam. Từ 1961-1967 học ĐH Mỹ thuật Quốc gia Kiev thuộc Liên Xô. Từ 1967-1993, bà tham gia giảng dạy tại ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Văn Lang…

Trong các năm 1983-1987, bà là ủy viên ban chấp hành Hội nghề Tạo hình Việt Nam nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ 1990-1995, bà là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Hà Nội và từ 1994-1999 là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sơ lược vài dòng tiểu sử nghề nghiệp để thấy uy tín của họa sĩ Kim Bạch được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

Dù xa quê hương rất lâu, sống và làm việc trên đất Bắc nhưng miền Nam luôn ở trong tâm hồn họa sĩ Kim Bạch. Năm 2001, bà nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 cho 5 tác phẩm, thì có đến 3 tác phẩm về quê hương Nam bộ: “Chân dung chiến sĩ cách mạng Bà Điểm, Hóc Môn”, “Hoa trái quê hương”, “Bến xe ngựa chợ Bà Điểm”.

Trên cương vị nhà giáo, họa sĩ Kim Bạch luôn có hướng gợi mở trong sáng tạo với học trò của mình chứ không đóng khung. Bà cho rằng: “Song hành với cuộc đời của một họa sĩ, tôi là một cô giáo dạy vẽ. Vì thế trong con người tôi có sự giao thoa giữa sự lãng mạn, bay bổng của một nghệ sĩ và sự nghiêm cẩn, chững chạc của một nhà giáo. Đáng mừng là tôi làm được hai công việc rất hài hòa”.

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 2

Bản Tả Phìn – Lào Cai

Học trò của họa sĩ, nhà giáo ưu tú Kim Bạch hiện có rất nhiều họa sĩ thành danh, như: Lê Quảng Hà, Phan Quân Dũng, Nguyễn Văn Hảo, Tô Mai Lĩnh, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Hồ Ngọc Lệ, Nguyễn Phan Khiêm... Đó là chưa tính đến vô vàn học trò của cô Kim Bạch đang lặng thầm làm đẹp cuộc sống bằng kiến thức mỹ thuật học được từ bà mấy chục năm qua.

Lâu nay, mỗi khi có triển lãm tranh, các họa sĩ thường hỏi nhau có bán được tranh không. Nhưng họa sĩ Kim Bạch có lẽ vô cùng “lập dị” khi bà không bao giờ bán tranh của mình, dù cuộc sống có những lúc vô cùng khó khăn. Bởi bà quan niệm, tranh là tài sản quý giá nhất của cuộc đời người họa sĩ, có thể ví von như những “đứa con” đã đứt ruột đẻ ra thì không cha mẹ nào đem bán cả.

Tuy nhiên, họa sĩ Kim Bạch lại có cái nhìn đồng cảm với đồng nghiệp về việc bán tranh. Bà cho biết: “Tùy vào quan niệm của mỗi người, có những đồng nghiệp, học trò của tôi vẽ và bán tranh như một cách để mưu sinh. Tôi luôn tôn trọng điều này và cho rằng đó là việc hoàn toàn thuận lẽ tự nhiên khi người sáng tạo phải được hưởng thành quả của mình. Nhiều người nói tôi là “gàn dở” vì sở hữu rất nhiều bức tranh quý nhưng không hề có ý định bán cho các nhà sưu tập. Có chăng, tôi chỉ hiến vào các bảo tàng hay tặng ai đó mà mình thực sự thân thiết, quý trọng”.

Ở tuổi 86, họa sĩ Kim Bạch vẫn miệt mài cầm cọ như một lẽ sống. Dù dạy vẽ nhưng bà luôn luôn học hỏi, tìm tòi cái mới. Gần như các triển lãm mỹ thuật ở TPHCM đều có bà đến xem. Xem để học, để khỏi tụt hậu, để bắt kịp với các xu hướng, để không bị lạc lõng trong môi trường nghề nghiệp mà bà đã dành cả đời để sống với mỹ thuật.

Triển lãm “Dòng chảy của lụa” của họa sĩ, nhà giáo ưu tú Lê Thị Kim Bạch mở cửa đến ngày 19/11, vào xem tự do.

Một số tác phẩm trong “Dòng chảy của lụa” của họa sĩ, nhà giáo ưu tú Lê Thị Kim Bạch:

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 3

Cây đa đầu bản

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 4

Bến xe ngựa chợ Bà Điểm 2

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 5

Chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 6

Chân dung họa sĩ Bùi Quang Ngọc

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 7

Chân dung bà Năm Thử

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 8

Chân dung họa sĩ Lê Quảng Hà

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 9

Chân dung họa sĩ Trần Lưu Hậu

Họa sĩ U90 Lê Thị Kim Bạch: Coi tranh như con đẻ không bao giờ bán ảnh 10

Bản Tả Phìn – Hà Giang

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.