Các nhà khoa học đã xác định được hơn 10.000 loài Cúc đá từ các hóa thạch được phát hiện gần như khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cúc đá từng là một trong những loài động vật săn mồi vùng biển đa dạng và thành công nhất trên Trái Đất. Với những xúc tu giống như mực kéo dài từ lớp vỏ nhiều lớp đặc biệt, Cúc đá di chuyển theo kiểu thuỷ phản lực, phụt ra phía trước một lượng nước qua phễu. Do thói quen bơi lội tự do hoặc trôi nổi trên bề mặt biển nên khi chết đi, Cúc đá sẽ rơi xuống đáy biển và dần bị chôn vùi trong lớp trầm tích tích tụ.
Hoá thạch Cúc đá (Ammonite) tuổi Jura sớm có niên đại 200 - 180 triệu năm được tìm thấy tại Tây Nguyên (nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội) |
Hoá thạch Cúc đá (Ammonite) khổng lồ, có niên đại 174 - 164 triệu năm, tìm thấy tại Madagasca (nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội) |
Vẻ đẹp của những mẫu hoá thạch Cúc đá (Ammonite) được tìm thấy từ các nơi trên thế giới (nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội) |
Cách đây 6000 năm, khi chế tác công cụ đá, người nguyên thuỷ đã đập những viên cuội từ loại đá cát kết cứng chắc. Một số viên cuội chứa hoá thạch Cúc đá bên trong được họ giữ lại không sử dụng như các công cụ đá khác bởi hình thái vỏ được chạm trổ tinh vi. Có thể suy đoán những mẫu hoá thạch Cúc đá đã được sử dụng như những vật trang trí hoặc thờ cúng theo tín ngưỡng buổi sơ khai.
Về nguồn gốc tên Ammonite: Nhà vạn vật học Pliny The Elder (mất năm 79 SCN gần Pompeii, Italia) đã gọi hóa thạch của những con vật có vỏ cuộn xoắn dẹt này là Ammonis Cornua - nghĩa là sừng của Ammon - vị thần của người Ai Cập cổ đại. Vị thần đó được miêu tả trên đầu có cặp sừng của loài cừu núi (những con cừu núi hoặc dê núi thường có cặp sừng rất đẹp, uốn cong, chia khấc đều đặn).
Trong suốt lịch sử lâu dài của mình, Cúc đá đã sống sót sau ba lần tuyệt chủng hàng loạt, đáng chú ý nhất là cuộc tuyệt chủng Kỷ Permi. Sự nóng lên toàn cầu do hoạt động núi lửa gây ra khoảng 252 triệu năm trước đã giết chết 96% các loài sinh vật biển trên Trái Đất. Trong khi nhiều loài Cúc đá chết trong sự kiện tuyệt chủng, các nhà khoa học tin rằng những loài sống sót đã đa dạng hóa một cách mạnh mẽ trong một triệu năm sau đó. Cúc đá sống sót trong các vùng biển của hành tinh này cho đến khi chúng bị xóa sổ hoàn toàn bởi trận đại hồng thủy tương tự cướp đi sinh mạng của loài khủng long cách đây khoảng 66 triệu năm.
Ngày nay hóa thạch Cúc đá rất có giá trị đối với ngành khoa học địa chất. Chúng được sử dụng làm hóa thạch chỉ mục, giúp xác định niên đại của các hóa thạch khác tìm thấy trong cùng lớp đá.