Chủ yếu bán chất tạo ngọt Trung Quốc
Sucralose là chất tạo ngọt không có giá trị dinh dưỡng và được biết đến nhiều do được sản xuất từ đường. Đây là thành phần chính trong sản phẩm Splenda, có độ ngọt gấp 600 lần đường mía. Thế nên, thông tin đường Sucralose làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu của viện Ramazzini công bố trên Tạp chí Quốc tế Occupational và Environmental Health mới đây khiến dư luận hoang mang. Nhóm PV đã trực tiếp khảo sát tại hai thị trường tiêu thu lớn nhất Việt Nam để tìm hiểu về thông tin này.
Tại TP.HCM, điều vô cùng bất ngờ, khách hàng muốn mua chất tạo ngọt Sucralose với số lượng bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng bày bán công khai, chỉ khi có người quen giới thiệu thì cơ hội mua loại đường này mới dễ dàng. Quả thực, tại chợ Bến Thành (quận 1), khi liên hệ với vài ba quầy hàng chuyên bán đường ăn và đồ ngọt như rau câu, bánh kẹo… các chủ hàng đều lắc đầu, thậm chí có người còn không biết đó là chất gì.
Phải mất rất nhiều thời gian lần theo giới sành về chất tạo ngọt, PV mới tìm được nơi chuyên bán và cung cấp sucralose. Anh Nguyễn Hồng P. (từng phân phối hàng này ở quận Giò Vấp) cho biết: “Hàng này chủ yếu của Trung Quốc, bán cho các cơ sở, nhà máy sản xuất các loại đồ ngọt như rau câu, bánh kẹo, đồ uống có ga, mứt, xi-rô, kem, bánh, rượu… Nó đặc biệt phù hợp với những người hay nấu ăn, nhà hàng, bán các loại đồ ngọt như chè, rau câu…”.
Theo giới thiệu của anh P., PV tìm gặp bà B. một chủ hàng ở chợ Bình Tây (quận 6). Qua chỗ quen biết giới thiệu nên bà B. không giấu diếm: “Hàng Trung Quốc thì rẻ hơn. Giá 1,6 triệu đồng/kg và có bán lẻ. Hiện hàng không có sẵn, nếu muốn mua chỉ cần đặt cọc, hôm sau đến lấy hàng. Muốn mua bao nhiêu cũng có”.
Đó là thị trường bán lẻ, còn các công ty cung cấp thì mua cả tấn cũng có. Trong vai một doanh nghiệp đi tìm đối tác đặt hàng chất tạo ngọt, PV liên hệ đến công ty L.H.Đ. (quận 12, TP.HCM) và được người tên Minh xác nhận: “Bên em có cung cấp hàng đó”. Về giá cả, Minh nói: “Hiện, bên em đang bán ra là 1.550.000/kg ngàn đồng. Đây là hàng Trung Quốc, bên em không bán hàng Mỹ”.
Khác với thị trường TP.HCM, tại Hà Nội, để tìm mua loại đường này ngoài chợ khó hơn hẳn. Đến bất kì chợ đầu mối cung cấp phụ gia nào hỏi thông tin về chất tạo ngọt Sucralose, PV đều nhận được những ánh mắt nghi ngờ. Một bà chủ tạp hóa tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai - Hà Nội) nói thẳng: "Đừng mất công hỏi nữa, người mới đến đây không tìm mua được đâu. Hàng ở đây không có sẵn, phải đặt tiền thì người ta mới đi lấy hàng. Mua quen và lấy thường xuyên sẽ có người chuyển đến tận nhà cho".
Cận cảnh gói chất tạo ngọt Sucralose mà PV mua được
Tuy nhiên, việc đặt loại hàng này trên mạng lại đơn giản hơn rất nhiều. Khi PV gọi điện tới số điện thoại trên một website đặt hàng, người bán tên Trần Ngọc Phượng tỏ ra niềm nở: “Nếu chị mua nhiều, chúng tôi sẽ hỗ trợ chi phí và chuyển ngay trong ngày hôm sau”. Theo giới thiệu của Phượng, hiện nay, đường nhân tạo Sucralose được phép sử dụng rộng rãi trên 80 quốc gia. Loại đường này chủ yếu sử dụng trong thực phẩm, dược phẩm, đặc biệt là dành cho những người ăn kiêng như tiểu đường vì chất tạo ngọt này không có giá trị dinh dưỡng. Giá bán là 1,6 triệu đồng/kg.
Khi PV ngỏ lời muốn mua sản phẩm “xịn” được nhập từ Mỹ, chị Phượng liền vội vàng tư vấn: "Chị không mua được hàng Mỹ xịn đâu. Vì rẻ hơn, nên chủ yếu các cửa hàng đều bán đường Sucralose của Trung Quốc. Nếu mua chỗ khác mà giới thiệu hàng Mỹ chắc chắn là giả. Giá đường Trung Quốc khoảng 1.600.000 đồng/1kg trong khi hàng của Mỹ phải đắt hơn khoảng 30%".
Cơ quan chức năng nói gì?
Nói về loại đường này, nhiều diễn đàn y học uy tín đã phân tích: "Mặc dù được sản xuất từ đường, nhưng Sucralose không phải đường. Sucralose được phát hiện khi người ta đang nghiên cứu tạo ra một loại thuốc trừ sâu mới. Nó có thể bắt đầu từ đường, nhưng sản phẩm cuối cùng là một hợp chất hoàn toàn khác đường".
Phân tích thêm về thành phần Sucralose, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ với PV: "Thành phần Sucralose có trong Splenda, một loại đường dành cho người ăn kiêng. Nghiên cứu gần đây cho biết, Splenda đã gây ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc ở loài chuột. Chuột được cho sử dụng Sucralose với liều 1,1-11 mg/kg.
Sau 12 tuần, người ta đã phát hiện trên số này chỉ còn một nửa lượng vi khuẩn tốt trong đường ruột. Splenda cũng gây cản trở sự hấp thu của thuốc theo toa, nhưng cách duy nhất để biết chắc chắn, là nên thực hiện nghiên cứu dài hạn trên con người.
Số lượng hạn chế của các nghiên cứu ngắn và dài hạn trên Sucralose không đủ để khẳng định điều gì. Muốn bảo đảm an toàn cho chính bản thân chúng ta phải đọc những thông tin liên quan, để có sự cân nhắc và lựa chọn trước khi sử dụng”.
5 tấn đường và chất tạo ngọt sản xuất trái phép từng bị bắt giữ
Cũng theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - viện Dinh dưỡng Quốc gia, Splenda là sản phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo Sucralose trong thành phần. Sucralose không chứa calo, nhưng bởi vì nó ngọt hơn đường 600 lần, do đó chỉ cần một lượng rất nhỏ đã đạt được vị ngọt mong muốn. Trên các trang web bán sản phẩm Splenda đều ghi một dòng chữ nhỏ “mặc dù Sucralose có cấu trúc và hương vị như đường, nhưng nó không phải là tự nhiên".
Trả lời về thông tin chất tạo ngọt có thể gây ung thư, ông Phan Hoàng Kiếm – Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: "Nếu mặt hàng đường, chất tạo ngọt nói riêng và các loại hàng hóa nói chung không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng lưu hành trên thị trường sẽ bị tạm giữ, lập biên bản và xử phạt tùy mức độ vi phạm.
Chúng tôi cũng từng xử lý nhiều vụ liên quan đến chất tạo ngọt được nhập lậu từ Trung Quốc. Thủ đoạn là họ sản xuất thành đường ăn, rồi làm giả nhãn mác, tung ra thị trường bán cho người tiêu dùng Việt".
Tại địa bàn Hà Nội, trao đổi với PV, ông Phạm Trung Chính - Chi cục trưởng chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: "Tất cả các vấn đề liên quan đến thực phẩm là do Bộ Y tế quản lý". Vì vậy ông không đưa ra khuyến cáo gì và từ chối trả lời về thông tin chất tạo ngọt Sucralose có thể gây ung thư đang được bán trên thị trường.
Triệt phá “tổng kho” sản xuất chất tạo ngọt giả Trao đổi với PV, Trung tá Lê Văn Vũ, Đội trưởng đội 4 (phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP.HCM cho biết: “Lực lượng QLTT và Công an quận Tân Phú từng phát hiện hơn 5 tấn đường hóa học và chất tạo ngọt sản xuất trái phép tại kho của công ty Việt Nhật (đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú). Đây là công ty chuyên sản xuất đường giả”. Theo Trung tá Vũ, chất tạo ngọt này được nhập từ Trung Quốc từ 3 năm nay, chế biến thành đường tinh thể với độ ngọt gấp 500 lần đường sản xuất bằng mía. Sau đó, công ty đóng gói đường vào các bao bì nhãn hiệu khác nhau rồi bán ra thị trường. Sản phẩm này có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng khi chỉ cần một lượng nhỏ có thể làm ngọt hàng trăm lít nước. |
Hoàng Minh – Kim Thược