Toyama là con trai đầu lòng của chị Midori, mặc dù đã hơn 2 tuổi nhưng bé luôn khóc khi gặp người lạ, ngay cả những người bạn thân thiết thường đến nhà chơi cũng khiến cậu bé sợ hãi.
Khi Midori gửi bé đi nhà trẻ, cậu bé đã khóc rất nhiều và không chịu rời xa mẹ. Việc trẻ nhút nhát trong khoảng thời gian đầu đời không phải là lạ, tuy nhiên nét tính cách này khiến trẻ gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội, cản trở khả năng học hỏi ở trẻ và khiến trẻ dễ gặp khiếm khuyết trong quá trình hình thành nhân cách. Các trẻ nhút nhát cũng thường là đối tượng bị bắt nạt khi đi học. Vì vậy, việc bố mẹ quan tâm và giúp trẻ bớt nhút nhát là điều vô cùng quan trọng.
Việc bố mẹ quan tâm và giúp trẻ bớt nhút nhát là điều vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa. |
Hãy xem bà mẹ Nhật Midori này làm gì để giúp cậu bé mạnh mẽ hơn.
Trước hết, Midori dành thời gian nhiều hơn để quan sát con trai và rút ra những biểu hiện nhút nhát của cậu bé. Toyama luôn bám lấy mẹ khi đi siêu thị, khi gặp cô Yamada và bé Mei hàng xóm, cậu bé cũng không thể làm quen dù cô bé rất chủ động. Toyama cũng luôn im lặng khi người lớn hỏi chuyện bé, đôi khi bé còn khóc rất to và ôm chặt lấy mẹ. Giáo viên của Toyama cũng cho biết cậu bé không chơi với các bạn trong lớp kể cả bé Mei hàng xóm.
Để khắc phục điều này chị Midori quyết định đưa cậu bé ra ngoài nhiều hơn, khi gặp bạn bè hay người quen chị thường chủ động cười tươi và chào hỏi họ. Midori cũng không quên nhắc Toyama chào những người lớn đó, tuy cậu bé không thể làm được nhưng Midori cũng không quá căng thẳng hay tức giận mà sau đó cô sẽ nói với Toyama rằng: “Mẹ biết con cảm thấy ngại nhưng bác Sawa tốt bụng lắm, mẹ chắc bác ấy sẽ rất vui nếu lần sau con chào bác ấy”.
Chị cũng thường đưa Toyama sang nhà Mei chơi và rủ mẹ con Mei đến nhà để Toyama có một người bạn thân cùng tuổi, Mei sẽ là cầu nối quan trọng giúp Toyama chơi với những đứa trẻ khác.
Mẹ Midori chủ động đưa con đến những nơi có nhiều trẻ em như công viên, trung tâm mua sắm, cô cũng dành thời gian đến lớp cùng Toyama. Thay vì làm như nhiều cha mẹ khác là để mặc các bé tự chơi với nhau hay cố dạy Toyama phải chơi thế này, chơi thế kia, ép cậu bé chơi cùng các bạn, Midori lại chọn cách tổ chức trò chơi cho bọn trẻ. Tất nhiên cô cũng khuyến khích Toyama tham gia vào các trò chơi này và để bé níu lấy mẹ khi bé muốn, tuy nhiên cô không chăm chút cho bé quá nhiều, cũng không nói chuyện riêng với con để bé có thể tự vui vẻ vượt qua sự nhút nhát và kết bạn.
Midori cũng nhận thấy Toyama đặc biệt thấy tự tin hơn khi chơi với những đứa bé kém tuổi mình, đặc biệt là các bé gái.
Khi Toyama lớn dần lên thì bé cũng tự tin hơn tuy nhiên vẫn còn khá nhút nhát, về mặt nhận thức Toyama đã biết tự trách mình, khi ấy bé sẽ khóc vì cảm thấy tội lỗi nếu gây ra rắc rối nào đó. Midori đặc biệt chú ý đến điều này vì Toyama dễ tổn thương hơn và thu mình hơn những đứa trẻ khác. Cô cho biết mình thường ôm bé vào lòng để bé cảm thấy được tin tưởng, khi bé nói ra được vấn đề của mình, cô sẽ an ủi và giải thích cho bé hiểu vấn đề.
Sau hơn một năm cố gắng, Toyama đã thay đổi rất nhiều tuy cậu bé vẫn hay mút tay và cảm thấy ngượng ngùng nhưng đã có thể trò chuyện với người lạ. Midori tin rằng việc lo lắng quá mức hay tỏ ra không quan tâm đến trẻ đều không giải quyết được vấn đề, quan trọng là bạn phải tin vào sức mạnh của con mình và củng cố nó.
Kazuko – giáo viên của Toyama cho biết thêm, việc trẻ nhút nhát thường hay mút tay cũng là một điều bình thường. Việc trẻ mút tay không có nghĩa là bé thiếu tình thương mà nó là cách đứa trẻ tự trấn an mình.
Trẻ em được xem là nhút nhát khi các em không chịu hòa đồng và tham gia các hoạt động chung với bạn bè đồng trang lứa, mặc dù trong lòng các em rất muốn. Trẻ nhút nhát có thể có những biểu hiện như sau:
- Không chịu nói chuyện hay trả lời câu hỏi của người khác, dù đó là những câu hỏi rất đơn giản hoặc rõ ràng.
- Không thích chơi đùa và tham gia các hoạt động tập thể.
- Không thích ra chơi ở những không gian công cộng, đông người hoặc thoáng rộng (như sân trường chẳng hạn), trừ phi đi với một người thực sự thân thiết.
- E ngại mỗi khi được người khác quan tâm chú ý, kể cả khi đó là sự chú ý tích cực.
Xem thêm:
- Người Nhật dạy trẻ sáng tạo và biết ước mơ như thế nào?
- 5 tuyệt chiêu cha mẹ Mỹ đối phó với con "được voi đòi tiên"
- Tại sao cần học cách thắt dây giày khi bạn có thể chơi game?
Tuấn Minh (t/h)