Theo dự thảo về mức trần học phí mới được Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ thì sắp tới tăng học phí của tất cả các nhóm ngành nghề đều ở mức 10%/ năm tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015. Ảnh minh họa. |
Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã hết hiệu lực sau năm học 2014 - 2015. Tuy nhiên, tới thời điểm này Bộ GD-ĐT mới trình Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020 - 2021.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã đề xuất học phí trong giai đoạn 2015 - 2016 đến 2020 - 2021 tăng khoảng 10%/năm ở tất cả các nhóm ngành. Như vậy, học phí tại các trường ĐH công lập trong năm 2015 - 2016 có thể sẽ lên mức 605.000 - 880.000 đồng/tháng, tức là khoảng 6 triệu - 8,8 triệu đồng/năm học (10 tháng). Đến năm học 2020 - 2021, học phí có thể lên 9,7 - 14 triệu đồng/năm. Riêng với ngành học y dược, Bộ đề xuất sau 2 năm nữa học phí tại các trường này sẽ tăng lên trên 10 triệu đồng/năm.
Đề xuất tăng học phí này chính là điều mà các trường ĐH, đặc biệt là các trường đang sử dụng cơ chế tự chủ tài chính rất chờ đợi. Với mức tăng này, các trường ĐH có thể thu về khoảng 17,5 - 45 triệu đồng/năm sau khi bù đắp các chi phí đào tạo. Hiện năm học 2015 - 2016 đã bắt đầu, và các trường vẫn đang giữ mức học phí giống như năm học 2014 - 2015.
Theo đại diện của Bộ GD-ĐT, chính sách miễn giảm học phí vẫn giữ nguyên như trong Nghị định 49, nếu có điều chỉnh thì theo hướng bổ sung để phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Đặc biệt, theo đề xuất này thì đối tượng được miễn giảm học phí theo chính sách nhà nước sẽ không mất cơ hội học tập tại trường tự chủ tài chính do học phí cao.
Theo quyết định đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động được phê duyệt, các trường tự chủ tài chính phải hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của trường với mức học phí được miễn giảm theo quy định của nhà nước với các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng vụ GD Đại Học, Bộ GD&ĐT cho biết Nhà nước vẫn sẽ có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời khẳng định nếu học phí tăng thì mức vay tín dụng lãi suất thấp cho sinh viên cũng được nâng lên.
Xem thêm:
- Hôm nay 25/9, bắt đầu tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 4
- Tuyển tình nguyện viên cho chương trình SSEAYP 2015
- GS Lân Dũng: Ai cũng tự phong giáo sư sẽ “loạn” mất…
Tuấn Minh (t/h)