Các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Trung Văn Hồng Kông đã tiến hành một cuộc khảo sát về Sức khỏe Hành vi của trẻ em trong độ tuổi đi học (HBSC - Health Behaviour in School-aged Children) dưới sự điều hành của WHO.
Sau khi thu thập dữ liệu từ hơn 5.300 học sinh ở độ tuổi 11 đến 15, các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ em Hồng Kông chỉ đạt 6,97/10 điểm trong thang mức độ hài lòng về cuộc sống. Điểm số này thấp hơn đáng kể mức trung bình 7,8 của học sinh trên toàn thế giới.
“Sự khác biệt trong cấu trúc xã hội, khó khăn khi giao tiếp với cha mẹ cùng căn bệnh lười vận động được coi là lý do của vấn đề này”, giáo sư Anthony Fung Ying Him của Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên tại Đại học Trung Văn Hồng Kông giải thích.
“Các bậc phụ huynh có mức thu nhập thấp tại Hồng Kông thường dùng nhiều thời giờ để cố gắng kiếm sống. Điều này khiến những đứa trẻ phải nương tựa vào bạn bè để tìm kiếm sự hỗ trợ”, ông cho biết thêm.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra học sinh đến từ các gia đình khá giả trung bình đạt 7,47 điểm về độ hài lòng với cuộc sống, lớn hơn mức 6,44 điểm của học sinh thuộc những gia đình có địa vị xã hội thấp, kinh tế eo hẹp.
Những trẻ cảm thấy có thể dựa vào gia đình và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía bố mẹ không chỉ có sự hài lòng với cuộc sống, mà còn không có những triệu chứng tiêu cực về tinh thần như trầm cảm hay đau đầu.
Theo giáo sư Annisa Lee Lai, cũng đến từ Đại học Trung Văn Hồng Kông, thì các gia đình ở thành phố này có xu hướng thuê người giúp việc và phó mặc cho những người này không chỉ việc nhà mà còn cả việc dạy dỗ và quản lý con cái. Trong khi đó, các bậc cha mẹ ở nước ngoài không đi theo xu hướng này và dành nhiều thời giờ với con hơn. Và việc phải giao tiếp với bố mẹ qua một kênh thứ ba đã gây nên nỗi thất vọng cho trẻ.
Với cuộc khảo sát tại Hồng Kông, các nhà nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên HBSC có dữ liệu về khu vực châu Á bằng việc sử dụng bảng câu hỏi tiêu chuẩn quốc tế. Với bảng câu hỏi này, họ không chỉ tìm hiểu được hành vi của lứa tuổi học sinh, mà còn đánh giá được mức độ hài lòng về cuộc sống và sức khỏe của trẻ.
HBSC là cuộc khảo sát có tính chất hợp tác xuyên quốc gia giữa WHO với hơn 40 quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, do các nhà nghiên cứu của Anh, Phần Lan và Na Uy khởi xướng vào năm 1982. Những cuộc khảo sát này thường được tiến hành bốn năm một lần và lần gần đây nhất được khởi động từ năm 2018. |
Thậm chí, bảng câu hỏi có thể khai thác được việc các em có đang sử dụng chất kích thích hay không. Những kết quả từ nghiên cứu này có thể dùng làm tiêu chuẩn cho việc hoạch định chính sách phát triển của trẻ em Hồng Kông trong tương lai.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát ở Hồng Kông còn bộc lộ mặt tối khi cho thấy trẻ em tại thành phố này có tỷ lệ rèn luyện thân thể rất thấp. Chỉ có 15,5% học sinh trong tự đánh giá sức khỏe thuộc loại “rất tốt”, 36,3% cho rằng đạt mức “bình thường” và có tới 39,8% học sinh tiết lộ các em đã và đang có biểu hiện trầm cảm.
Cùng với đó, hơn 60% số học sinh được khảo sát cho biết bản thân tập thể dục ít hơn 3 ngày/tuần và 22,5% trong số đó thậm chí còn không tập thể dục.
“Số trẻ Hồng Kông lười vận động gấp 5 lần trung bình của thế giới cho thấy một tình trạng đáng báo động. Các bậc phụ huynh nên đặt mục tiêu cho việc chơi thể thao kết hợp trao đổi cùng trẻ ít nhất 3 lần/tuần. Việc này không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn hữu ích với tinh thần của các em,” giáo sư Annisa Lee Lai cho biết.
Cục Giáo dục Hồng Kông cũng đang tích cực tuyên truyền về vai trò của bố mẹ trong việc giáo dục con cái, họ nhấn mạnh gia đình vô cùng quan trọng trong việc làm nên hạnh phúc của trẻ.
Cùng với các vấn đề đã tồn tại từ lâu trong xã hội, dịch COVID-19 cũng góp phần khiến học sinh Hồng Kông không hài lòng với cuộc sống. Việc không được đến lớp, gặp bạn bè và mắc kẹt trong nhà cũng khiến trẻ nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Đại dịch là vấn đề toàn cầu, nhưng với điều kiện sống đông đúc, chật chội, cộng thêm bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống ở Hồng Kông, COVID-19 có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình.
Bà Sze Lai-shan, Phó giám đốc Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng, người thường tiếp xúc với tầng lớp lao động cho biết bà không ngạc nhiên trước kết quả khảo sát. “Những đứa trẻ thuộc các gia đình có thu nhập thấp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch. Học ở nhà là nhiệm vụ bất khả thi khi gia đình các em không có nổi tiền mua máy tính. Phụ huynh cũng phàn nàn rằng con họ trở nên xấu tính hơn trong năm qua.”
Theo đó, bà đề xuất với chính phủ một khoản trợ cấp nhằm giúp học sinh mua thiết bị học tập trực tuyến. Đồng thời, những khoản như trợ cấp thất nghiệp dành cho các bậc cha mẹ cũng sẽ cải thiện không khí trong các gia đình ở Hồng Kông.
Thương Hải
(Theo South China Morning Post)