Cao Bằng
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, cô Phạm Thị Minh Tuyết, giáo viên trường Tiểu học Hợp Giang (Cao Bằng), cho biết thời điểm lớp 1 tạm nghỉ do dịch COVID-19, các em vừa học xong chương trình học kỳ 1 và bắt đầu bước sang học kỳ mới (từ tuần thứ 18 đến 20).
Với môn tiếng Việt, học sinh vừa hoàn thành các bài học về âm và vần đơn giản. Chương trình tiếng Việt lớp một ở học kỳ 2 rất quan trọng. Đây là giai đoạn các em được tiếp tục học hết các vần (nhất là các vần khó), viết đoạn chính tả ngắn, đọc và hiểu một văn bản, hình thành kỹ năng viết chữ nhỏ bằng bút mực, viết hoa…
“Giáo viên lớp 1 vẫn coi đây là 'thời điểm vàng' để hoàn thành kỹ năng đọc thông, viết thạo cho học sinh. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ học quá dài, học sinh quên đi nề nếp được cô giáo dạy mà mải chơi bỏ rơi kiến thức, kỹ năng là điều không tránh khỏi”, cô Tuyến nói.
Dù trong thời gian tạm nghỉ, các trường vẫn tích cực dạy học trực tuyến nhưng với độ tuổi lớp 1 chỉ như “cưỡi ngựa, xem hoa”, các em ghi nhớ lại kiến thức không nhiều.
Phần khác là do vốn từ của học sinh còn ít, ý thức tự học chưa cao, khả năng sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ cho học tập chưa thành thạo. Nhiều phụ huynh chưa biết cách hướng dẫn con em mình học tập, nhất là môn tiếng Việt. Do đó kết quả học chưa thật sư được như mong đợi.
Phú Thọ
Tương tự, cô Lương Thị Hoài, giáo viên một trường tiểu học (Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ trên VTC News, học sinh nghỉ quá dài, các em không ôn tập thường xuyên, phụ huynh cũng không chủ động dạy con học. Khi trở lại trường, phần lớn học sinh bỡ ngỡ, em thì cầm sai bút, em thì đánh vấn ấp úng, nhất là nhiều em cộng trừ sai số… như chưa từng được học bài “chữ thầy trả hết cho thầy”.
Trong 2 tuần học đầu tiên, trên 80% học sinh chữ viết còn cứng do lâu ngày không cầm bút luyện tập. Có nhiều em rất khó sửa vì ở nhà bố mẹ không rèn thường xuyên.
Hà Giang
Cũng theo ghi nhận của PV báo điện tử VTC News, tình trạng này diễn ra phổ biến hơn nữa với ở các lớp học vùng cao. Thầy Nguyễn Văn Hoà, hiệu trưởng một trường tiểu học (Quản Bạ, Hà Giang) cho biết, cả trường có 99% là học sinh người dân tộc H’Mông. Dù chưa làm bài kiểm tra, nhưng theo báo cáo đánh giá của các giáo viên khối lớp 1 thì hầu hết học sinh đều quên cách đánh vần, thậm chí nhiều em quên bảng chữ cái, chỉ ấp úng đếm được từ 1 đến 10.
Lý giải về việc này, thầy Hoà nói: “Như các năm học trước, dù nghỉ hè 3 tháng các em vẫn nhớ bài bởi trước khi nghỉ hè các em chốt được kiến thức, nắm vững kiến thức cơ bản đủ để lên lớp. Nhưng thời điểm các em nghỉ 3 tháng lại rơi đúng vào giữa năm học, thời điểm tốt để rèn thói quen và ghi nhớ lâu dài lại bị gián đoạn”.
Về cơ bản, học sinh lớp 1 được phân ra 3 nhóm. Nhóm 1, là học sinh được phụ huynh quan tâm hướng dẫn đúng cách, thường xuyên được ôn tập, rèn đọc, viết… thậm chí được dạy thêm, dạy trước. Nhóm này đến nay đã rất thành thạo đọc, viết.
Nhóm 2, là những học sinh có được quan tâm hướng dẫn nhưng không đầy đủ, đúng phương pháp có thể sẽ quên mặt một số chữ cái, đánh vần sai, viết chậm, viết sai quy trình, phương vị…
Nhóm 3, là những học sinh không được tiếp xúc với việc đọc, viết các con chữ từ lúc nghỉ học đến nay, thậm chí có em đã quên rất nhiều âm, chữ đã học.
Khi học sinh đi học trở lại, thầy cô giáo phải dành thời gian để ôn tập lại kiến thức cũ cho các em - Ảnh: Vietnamnet |
Hà Nội
Trao đổi với PV báo Vietnamnet, cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho hay, trở lại lớp sau đợt nghỉ dài, các con quên nhiều kiến thức và ý thức học tập cũng giảm sút.
Hầu hết học sinh quên những kiến thức học trước đó. Trong thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19, phải học qua ứng dụng Zoom thì kiến thức các em nắm không chắc vì mạng yếu, hay bị thoát ra. Hơn nữa, các bài luyện tập bị cắt bớt nên kiến thức của học sinh không sâu, không chắc.
“Trong giai đoạn nghỉ ở nhà, trường chúng tôi có tổ chức học qua ứng dụng Zoom và thông báo lịch học qua truyền hình nhưng các em học không đều do mạng chập chờn nên không liền mạch bài. Các cô dạy phần mềm Zoom miễn phí nên cũng khoảng 40 phút là bị thoát ra, rồi phải vào lại. Mỗi giờ dạy, riêng chuyện ổn định lớp đã mất từ 10 đến 15 phút, nên chỉ còn học thực 25 phút. Một số em thì đợt nghỉ về quê với ông bà nên không học được. Nên bây giờ đi học lại em thì nắm được bài, em thì lơ mơ, có em thì như chưa học” - cô Lan "tổng kết".
Thậm chí, theo cô Lan, có học sinh giỏi trước đó đứng đầu lớp còn bị lộn khi nhân phân số, nhiều em nhân số tự nhiên có hai chữ số cũng nhầm. "Bây giờ, chúng tôi phải tăng tốc ôn tập lại và mở rộng bài mới nên thành ra có cảm giác như các em bị "nhồi nhét kiến thức".
Bình Dương
Tình cảnh của lớp cô Lê Ngọc Diệp, giáo viên dạy khối 5 một trường tiểu học ở Bình Dương, cũng tương tự với nhiều học sinh quên bài cũ.
Tuy nhiên, theo cô Diệp, khá may mắn vì số quên chỉ rơi vào một số em không học qua ứng dụng trực tuyến vì phụ huynh không có điều kiện, hoặc được cho về quê nhưng nhà ông bà không có mạng hoặc điện thoại thông minh.
“Những học sinh bình thường chậm, hoặc lười học qua trực tuyến thì quên kiến thức nhiều, còn học sinh chăm học trực tuyến thì khá ổn. Các em chủ yếu quên các quy tắc hoặc công thức Toán. Nói chung là tạm thời quên, nhưng cô phải ôn lại hoặc thậm chí phải giảng lại bài. Có em quên hết cả kiến thức học từ trước Tết, nhưng đa số nhắc lại thì vẫn nhớ ra” - cô Diệp nói trên Vietnamnet.
Theo cô Diệp, không chỉ mỗi lớp của cô mà tình cảnh này diễn ra ở hầu hết các lớp trong trường, đặc biệt với khối 1.
TP. Hồ Chí Minh
Trong đợt nghỉ dịch, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có dạy online cho cả lớp theo kiểu vừa dạy vừa ôn kiến thức cũ nên bây giờ đi học trở lại, kiến thức của các em cũng tạm ổn. Tuy nhiên, do học sinh lớp 5 đang học về hình học nên dễ quên công thức ở phần này. "Khoảng 30-40% học sinh trong lớp quên kiến thức vì một phần các bé nghỉ dài” - thầy Sơn chia sẻ với Vietnamnet.
Hầu hết các giáo viên đều cho rằng việc học sinh quên bài hay kiến thức cũ sau quãng thời gian dài xa trường lớp là điều dễ hiểu. Điều này khiến các thầy cô phải nỗ lực hơn, nhưng cũng cần sự chung tay hỗ trợ, phối hợp của phụ huynh khi ở nhà để các con sớm bắt nhịp với chương trình, tiến độ học tập.