Trao đổi với báo chí chiều 16/1, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Sóc thông tin, lễ hội đền Sóc 2018 sẽ thay đổi hình thức lễ tạ, không còn hai đoàn rước giò hoa tre và giò trầu cau từ đền Thượng xuống đền Mẫu và đền Hạ.
Ông Mạnh cho rằng, việc thay đổi hình thức lễ tạ không ảnh hưởng đến truyền thống của lễ hội. Ban tổ chức đã tính toán để các thôn làng vẫn tổ chức được các bước tế lễ như truyền thống, mang lễ vật xuống đền Mẫu, đền Hạ làm lễ tạ.
"Nhưng số lượng bao nhiêu, cách thức thế nào sẽ do ban tổ chức quyết định, chứ không tổ chức một đoàn rước xuống hai đền đó để xảy ra việc cướp lộc", ông Mạnh nói.
Năm 2015, hội Gióng đã xảy ra giẫm đạp, tranh cướp giành lộc hoa tre. Để ngăn chặn bạo lực, năm 2017, Ban tổ chức huy động gần 300 công an, lượng lượng địa phương, thanh niên tình nguyện tham gia bảo vệ lễ vật, không xảy ra tranh cướp.
Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng, việc huy động lực lượng lớn người để bảo vệ lễ vật làm mất đi ý nghĩa của lễ hội. Do đó, Ban tổ chức quyết tâm thay đổi hình thức để không cần phải huy động quá lớn lực lượng an ninh và quan trọng hơn là thay đổi được nhận thức, tư duy của người dự hội Gióng.
Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong lễ hội có nghi lễ dâng hoa tre lên đền Thượng của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh). Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu tre tuốt bông và nhuộm màu tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre sau khi dâng lên đền Thượng sẽ được rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội để cầu may.
Cấm phát lộc ở chùa Hương
Rút kinh nghiệm từ sự cố cước lộc tại ngày khai hội chùa Hương năm 2017, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2018 đã đề nghị Ban trị sự chùa Hương quán triệt tới các nhà sự không được phát lộc tại lễ hội.
Hàng trăm người giơ tay xin lộc trong ngày khai hội chùa Hương năm 2017. Ảnh: Võ Hải. |
Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu giải thích vụ việc cướp lộc tại chùa Hương mùa trước là sự cố lần đầu tiên xảy ra. Ngay sau sự việc, Ban tổ chức đã báo cáo các đơn vị liên quan và đề nghị Ban trị sự phật giáo huyện có biện pháp chấn chỉnh nhắc nhở nhà sư phát lộc để xảy ra sự cố.
Lễ hội Chùa Hương năm nay, khoảng 4.500 đò sẽ tham gia phục vụ du khách, các đò đều được gắn biển số, có phao cứu sinh, giỏ đựng rác và sơn đồng màu.
Theo Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức, huyện đã có kế hoạch hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền đúng nơi quy định.
Huyện Mỹ Đức cũng giao xã Hương Sơn bố trí lực lượng trông giữ xe và tổ chức lớp cho người dân nâng cao nghiệp vụ làm dịch vụ, tổ chức tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ môi trường...