Mặc dù đã tổ chức thêm hai ngày hội nghị tại Madrid so với lịch trình ban đầu. Cuối cùng, các đại biểu từ gần 200 quốc gia đã tán thành một tuyên bố giúp đỡ các nước nghèo đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, mặc dù họ đã không phân bổ bất kỳ khoản tiền mới nào để làm như vậy.
Tuyên bố cuối cùng kêu gọi mọi quốc gia cần khẩn cấp để cắt giảm khí nhà kính phù hợp với các mục tiêu của hiệp định biến đổi khí hậu Paris 2015.
Hiệp định Paris đã thiết lập mục tiêu chung là tránh cho nhiệt độ tăng hơn 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Cho đến nay, thế giới đang trên đà tăng từ 3 đến 4 độ C, với những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng đối với nhiều quốc gia, bao gồm mực nước biển dâng cao và những cơn siêu bão.
Các nhà đàm phán ở Madrid đã để lại một số vấn đề nhức nhối nhất cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo ở Glasgow, bao gồm cả trách nhiệm đối với các thiệt hại do tình trạng nhiệt độ tăng mà các nước đang phát triển đang rất bức xúc.
Tổng thư ký LHQ António Guterres nói rằng ông "thất vọng trước kết quả của hội nghị lần này", tuy nhiên ông cũng khẳng định: "Chúng ta không được từ bỏ, tôi cũng sẽ không từ bỏ".
Liên minh châu Âu và Canada là một trong số ít thể hiện tham vọng giảm thiểu khí thải nhà kính bằng cách áp dụng các kế hoạch trung hòa carbon vào giữa thế kỷ, nhưng các nhà hoạt động nói rằng quyết tâm này không tạo ra động lực cho các quốc gia khác.
Tại hội nghị Madrid, khoảng 80 quốc gia đã bày tỏ ý định nâng cấp các cam kết của họ vào năm tới cho các mục tiêu phát thải vào năm 2050. Gần 400 thành phố, hơn 780 doanh nghiệp và 16 nhà đầu tư với hơn 4 nghìn tỷ USD tài sản cũng đã cam kết với các mục tiêu tương tự.