Đổi mới hơn nữa
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, ngay sau Hội nghị Ngoại vụ 18 năm 2016, các địa phương đã nghiêm túc triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm về công tác đối ngoại địa phương, trong đó ưu tiên tập trung vào hội nhập kinh tế quốc tế. Về chính trị đối ngoại, Bộ Ngoại giao và các CQĐD đã ký 420 thỏa thuận quốc tế cấp độ địa phương với các tỉnh thành, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014-2016. Các thỏa thuận này đang đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của các địa phương nói riêng, của Việt Nam nói chung.
Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao hoàn thiện hồ sơ và được UNESCO công nhận 7 danh hiệu, nâng tổng số di sản được UNESCO công nhận là 38 danh hiệu. Việc kết nối kiều bào trực tiếp với các địa phương được triển khai thực chất, góp phần thực hiện mục tiêu đại đoàn kết dân tộc đồng thơi huy động được nguồn lực kiều bào. Các địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong công tác quản lý biên giới. Tình hình biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào, Campuchia cơ bản ổn định, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Về công tác hỗ trợ địa phương, theo ông Nguyễn Hoàng Long, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị nội dung, tham gia phục vụ 47 hoạt động của Lãnh đạo cấp cao liên quan đến công tác đối ngoại địa phương tập trung vào xúc tiến thương mại. Bộ Ngoại giao tổ chức 166 đoàn Lãnh đạo Bộ đi thăm làm việc tại các địa phương; chủ động và tích cực phối hợp với địa phương tổ chức 51 hội nghị, tọa đàm chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ”, “Giới thiệu địa phương”...
Bên cạnh những những kết quả tích cực trên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác địa phương thời gian qua. Đó là, một số địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế và lồng ghép vào các nội dung phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến các kế hoạch hội nhập còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại và xây dựng quảng bá thương hiệu địa phương vẫn chưa thật sự hiệu quả. Công tác thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư kinh doanh và tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại địa phương còn hạn chế.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và đeo bám việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, chưa được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án khả thi; vẫn còn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển của các nước; công tác quản lý xuất nhập cảnh trái phép còn khó khăn. Công tác đào tạo phổ biến, cập nhật kiến thức và kỹ năng đối ngoại chưa làm thường xuyên, bài bản, chưa đồng đều ở các địa phương…
Đồng hành với địa phương
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, đã đến lúc cần đổi mới tư duy hội nhập của địa phương để công tác này thực sự bứt phá trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao và các Trưởng CQĐD sẵn sàng đồng hành cùng địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương.
Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, địa phương cần đặt hàng cụ thể cho Bộ Ngoại giao, trực tiếp cho các Trưởng CQĐD, đề nghị các Đại sứ tư vấn về ngành, nghề, thị trường cho “đúng đối tác, đúng ngành”, giúp các địa phương rút ngắn thời gian, nắm thông tin chất lượng, đáng tin cậy. Ngoài việc khai thác lợi thế và tiềm năng, các địa phương cần khắc phục tình trạng mỗi địa phương “tự độc lập tác chiến” để tiến tới cùng “chung tay”, cùng liên kết, phân công, hợp tác với các địa phương khác để phát huy lợi thế của từng vùng trong hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài…
Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại vụ địa phương sẽ tăng cường phối hợp để hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch, kết nối về kinh tế, xây dựng thương hiệu, thu hút nguồn lực phát triển địa phương, làm tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý vấn đề con người làm công tác đối ngoại địa phương, đây chính là vấn đề có ý nghĩa then chốt “giải pháp của giải pháp” đối với tiến trình hội nhập quốc tế của các địa phương.