Tiếp tục chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, hôm nay, các đại biểu dành cả ngày để thảo luận các văn kiện Đại hội.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã được thảo luận tại đoàn trong phiên họp chiều qua, trước khi đưa ra thảo luận tập trung tại hội trường trong phiên họp sáng nay.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng gồm: Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Trước đó, trong phiên khai mạc sáng 21/1, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 Nguyễn Phú Trọng đã đọc báo cáo chung của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 về các văn kiện Đại hội 12 của Đảng, nêu rõ: mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã được xác định từ Đại hội Đảng lần thứ VIII.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu trên không đạt được. Trung ương khóa 11 khẳng định, 5 năm tới, phải phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đạt được mục tiêu này. Một trong những định hướng lớn cần thực hiện là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cần thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo đó, dự kiến, sau khi hoàn thành các nội dung nghị sự như khai mạc, thảo luận các văn kiện Đại hội XII, lấy ý kiến đại biểu về dự kiến những vấn đề cần biểu quyết trong các văn kiện Đại hội 12 (nếu có), chiều 23.1, Đại hội sẽ nghe báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư khóa 11 về công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa 12; thảo luận và biểu quyết về số lượng Ban Chấp hành T.Ư khóa 12.
Ngày 24.1, Đại hội thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành T.Ư khóa 12. Các đại biểu nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 do Ban Chấp hành T.Ư khóa 11 chuẩn bị.
Đại hội trao đổi trực tiếp về tiêu chuẩn, cơ cấu, danh sách đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 và nghiên cứu các tài liệu hồ sơ về nhân sự. Các đại biểu ghi phiếu ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành T.Ư khóa 12.
Ngày 25.1, Đoàn chủ tịch thông báo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 đến các đoàn. Đại biểu ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 (nếu có).
Sau đó, Đoàn chủ tịch họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa 12… Đại hội thực hiện quy trình để biểu quyết thông qua danh sách ứng cử , đề cử, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa 12; bầu Ban kiểm phiếu.
Ngày 26.1, đại biểu tiến hành bỏ phiếu bầu cử Ban Chấp hành T.Ư khóa 12; Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả bầu cử, công bố danh sách các đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành T.Ư khóa 12.
Ngày 27.1, Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 sẽ họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Ngày 28.1, Đại hội họp phiên bế mạc tại hội trường.
P.V