Vài ngày nữa là khai giảng năm học 2017-2018, chị Nguyễn Thị Vân (42 tuổi, xã Quế Trung, Nông Sơn) lo lắng khi con trai Nguyễn Văn Danh chưa xin được học. Chị đã mua sắm sách vở, áo quần để con đến lớp. Nhưng khi đến trường, Danh không có tên trong danh sách trúng tuyển lớp 10 THPT Nông Sơn.
Thấy bất thường, chị Vân đến gặp hiệu trường hỏi và được giải thích quy định đã thay đổi. Thay vì tuyển hết số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập như trước, năm nay các trường THPT chỉ xét tuyển 90%, lấy từ cao xuống thấp. “Tôi đến trường cấp hai xin cho cháu học lại để sang năm xét tuyển, nhưng trường bảo đã tốt nghiệp rồi nên không được học lại”, chị Vân kể.
Hết đường vào công lập, chị Vân muốn con học hệ dân lập, nhưng tại địa phương không có trường để học. Con chị Vân muốn học phải sang các huyện lân cận, cách xa nhà hàng chục km.
Ông Lê Trí Thức (53 tuổi, xã Quế Trung) cũng có con không đậu kỳ xét tuyển vào trường THPT Nông Sơn. “Giờ chưa biết tính đường nào, để con đi học xa nhà thì không yên tâm, phần nữa kinh phí cao. Con tôi đang còn nhỏ, gia đình muốn được học gần nhà để có thời gian chăm sóc, còn đi xa không ai quản lý nên rất lo lắng”, ông Thức bày tỏ.
Là cán bộ phụ trách chuyên THCS thuộc Phòng Giáo dục huyện Nông Sơn, ông Nguyễn Ngọc Triêm cho biết, toàn huyện có hơn 320 em tốt nghiệp THCS bước vào học THPT. Năm nay, phương thức là tuyển 90% số tốt nghiệp THCS đăng ký vào học lớp 10. Điểm xét tuyển gồm điểm kết quả rèn luyện, học tập và điểm cộng. Cách xét tuyển sẽ căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển, tiến hành xét từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.
“Cuối kỳ thi THCS, các trường đã thông báo đến học sinh, phụ huynh cách thức xét tuyển này”, ông Triêm nói và cho hay thực hiện theo quy định, huyện Nông Sơn có 33 học sinh không đậu vào trường công lập. Địa phương không có cơ sở đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, lớp bổ túc văn hóa.
|
Ông Hồ Văn Hưng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục, khẳng định việc tuyển sinh 90% và loại 10% là xét tuyển cạnh tranh, lấy từ cao xuống thấp nên "ai rớt phải chấp nhận, phải chọn loại hình khác để học". Định hướng của tỉnh là những em này có thể đi học trường tư thục, học nghề và giáo dục thường xuyên.
Theo ông Hưng, toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 1.280 học sinh không được tiếp tục học THPT. Trước đây mỗi huyện có Trung tâm giáo dục thường xuyên dạy hệ bổ túc. Tuy nhiên, nhu cầu không còn nhiều nữa nên chủ trương của tỉnh là giải thể, sau đó sáp nhập về trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, ở TP Tam Kỳ. Vì thế, số học sinh rớt lớp 10 sẽ phải chấp nhận đi học xa nhà.
Việc áp dụng xét tuyển và phân luồng học sinh sau THCS tại Quảng Nam được cụ thể hóa từ Chỉ thị của Trung ương và Nghị quyết 11 Quảng Nam. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 20% học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.