Đó là con số được các chuyên gia đưa ra trong Hội thảo phổ biến Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam do Bộ Y tế, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức đầu tháng 5/2018.
Ảnh minh họa |
Báo cáo cho thấy, tại Việt Nam, tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến nay tỉ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2.09 con tại thời điểm 2016. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37 % (năm 1988) lên 67 % (năm 2016). Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 vào những năm 1990 xuống đến 69/100.000 năm 2009. Hiện giảm xuống 58.3/100.000 (thống kê năm 2016).
Tỉ lệ phá thai cũng có sự chênh lệch vùng miền. Ở vùng duyên hải Bắc và Nam Trung bộ, tỉ lệ phụ nữ đã từng phá thai là 7,7%, vùng Đồng bằng sông Hồng lên tới 33,5%.
Một thách thức lớn tại nhiều nước đang phát triển là khoảng 214 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển thiếu các phương tiện tránh thai an toàn. Ở Việt Nam, 80,5% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15-49 đang sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 64,4%. Biện pháp phổ biến nhất là đặt vòng tránh thai (25,2%), tiếp theo là thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao su (13,3%). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn.
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực Đông Nam bộ cao nhất và có liên quan với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống cao nhất ở khu vực này (27,2%). Ngược lại, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và điều này có liên quan với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống thấp nhất ở khu vực này (10,5%). Các kết quả này cho thấy một số người dân vẫn thực hành các biện pháp tránh thai truyền thống và ít sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.