Thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM cho biết, UBND huyện Tuy Phong ngày 15/3 đã có buổi làm việc với các cơ quan liên quan, để nghe ông Hoàng Văn Đợi (Gò Vấp, TP.HCM) báo cáo về quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về kho báu, cung cấp những tài liệu, bằng chứng làm căn cứ liên quan đến kho báu 4.000 tấn vàng nằm dưới ba giếng cổ ở Phước Thể, Tuy Phong (Bình Thuận)
Trước đó, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Ngọc Hai đã ký văn bản giao cho chủ tịch UBND huyện Tuy Phong chủ trì buổi làm việc này.
Trong buổi làm việc gồm đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Sở VH-TT&DL, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở TN&MT, UBND xã Phước Thể…, đặc biệt là ông Hoàng Văn Đợi (Người thông báo về kho báu dưới 3 giếng cổ).
Một trong 3 giếng cổ được cho là chứa kho báu. Ảnh: Báo Bình Thuận
Nội dung làm việc phải thể hiện bằng biên bản cụ thể, ghi nhận đầy đủ ý kiến của thành viên dự họp cũng như kết luận của người chủ trì. Thời gian thực hiện xong và báo cáo kết quả, đề xuất những vấn đề liên quan để gửi về Sở VH-TT&DL là trước ngày 25/3.
Sau câu chuyện về ông Trần Văn Tiệp (101 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) đã mất 20 năm trời tìm “kho báu” 4.000 tấn vàng cho là nằm ở núi Tàu (Bình Thuận), thì ngày 10/3, ông Hoàng Văn Đợi, sinh năm 1972 (ngụ Gò Vấp, TP.HCM) đã thông báo cho chính quyền địa phương ba địa điểm mới nơi quân đội Nhật Bản chôn giấu 4.000 tấn vàng sau Thế chiến thứ hai là khu vực cửa Sứt, xã Phước Thể, Tuy Phong (Bình Thuận), chứ không phải núi Tàu.
Ông Đ. cung cấp cho UBND xã Phước Thể sơ đồ chứng minh rằng hàng ngàn tấn vàng đang được giấu dưới ba cái giếng cổ.
Giếng thứ nhất cách biển 5m tại khu vực cửa Sứt. Giếng thứ hai cách biển 50m và cách giếng thứ nhất 500m về hướng nam. Giếng thứ ba cách biển 50m ở khu vực Đầm và cách giếng thứ hai 600m về hướng Nam.
Quỳnh Mai T/H