Tại phiên tòa chiều ngày 5/7, bị cáo Đặng Đình Hồng, nguyên giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương phân trần: “Tôi không có lợi gì trong vụ việc này, bản thân chỉ mong muốn mang lại hiệu quả kinh doanh và cống hiến cho ngành ngân hàng, nơi tôi công tác.
Năm 2013, tôi về làm Giám đốc ở Phòng giao dịch ngân hàng Eximbank Đô Lương. Thời điểm đó, phòng giao dịch cũng rất khó khăn vì vậy tôi luôn động viên các nhân viên tích cực, thu hút, tìm kiếm khách hàng mang lại lợi nhuận kinh tế cho phòng giao dịch Đô Lương nói riêng và ngân hàng Eximbank nói chung”.
Nói về việc gây hậu quả nghiêm trọng 50 tỷ đồng, bị cáo Đặng Đình Hồng cho rằng, có 37 sổ tiết kiệm của khách hàng bị Nguyễn Thị Lam lừa dối, riêng trong đó, có 16 lệnh chi trước năm 2012 khi bị cáo chưa về công tác. Riêng 16 lệnh chi này đã lên đến hơn 1 tỷ đồng rồi do đó việc thực hiện lệnh chi này đã có tiền lệ. Bị cáo cho rằng khi bản thân về nhận công tác điều hành cũng khó thay đổi cách làm này.
Việc này cũng diễn ra tại chi nhánh Eximbank Vinh và thực tế các chi nhánh ở TP HCM, Hà Nội... cũng xảy ra tình trạng này chứ không phải chỉ ở phòng giao dịch Đô Lương, bị cáo Hồng phân trần tại toà. Vì vậy, bị cáo Đặng Đình Hồng đề nghị HĐXX xem xét mức độ gây hậu quả của bị cáo.
Khi đề cập về công tác chỉ đạo dẫn đến sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, nguyên giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương phân trần: "Tôi đã có văn bản phân công công việc rất rõ đến từng bộ phận, cá nhân chứ không phải là buông lỏng quản lý công việc của chi nhánh cũng như các nhân viên. Bên cạnh đó, tôi là người quản lý chung, không thể về đến nhà tận khách hàng được. Thực tế, mỗi ngày, phòng giao dịch Đô Lương có thể lên đến 100 khách hàng, không tránh được những sai sót trong quá trình điều hành, chỉ đạo công việc tại phòng giao dịch.
Thực sự tôi rất tin tưởng nhân viên nên mới để dẫn đến những hậu quả này. Trong các cuộc họp, tôi cũng đã nhắc nhở nhiều lần về tình trạng in sổ tiết kiệm và cũng đã phần nào khắc phục về vấn đề này. Bên cạnh đó, trong văn hóa ứng xử của Eximbank, khi lãnh đạo có sai sót, chỉ đạo chưa phù hợp thì nhân viên có quyền phản đối, yêu cầu chỉnh sửa.
Cũng tại phiên tòa chiều nay, xét hỏi về việc ngân hàng bị "thụt két" 50 tỷ đồng, bị cáo Hồng nêu thắc mắc tại sao mỗi bản thân mình phải chịu trách nhiệm và đề nghị HĐXX xem xét việc này.
“Thứ nhất, tiền đã mất từ năm 2012 rồi chứ đâu phải khi tôi về công tác, quản lý mới mất? Thứ hai, khi tôi nhận được cáo trạng từ CQĐT và VKS, chỉ mỗi tôi phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc này. Vậy Eximbank chi nhánh Vinh trách nhiệm như thế nào?
Tôi đồng ý là người nhận trách nhiệm đã ký trực tiếp 17 tỷ đồng trong vụ việc này. Tại sao Eximbank chi nhánh Vinh mất 19 tỷ đồng và chịu trách nhiệm quản lý phòng giao dịch Đô Lương lại không xử lý 1 cá nhân, trường hợp nào? Thậm chí có những khách hàng như bà Dung khi tôi chưa về thì sao lại áp cho tôi nhận trách nhiệm này", bị cáo Hồng nói tại toà.
Còn về việc có “ưu ái” Nguyễn Thị Lam tại Eximbank phòng giao dịch Đô Lương, bị cáo Đặng Đình Hồng phủ nhận: "Khi về phát hiện những sai sót tại phòng giao dịch do Nguyễn Thị Lam trực tiếp gây ra, tôi đã có đơn kiến nghị gửi Hội Sở và Eximbank chi nhánh Vinh nhưng vẫn không được xử lý. Mặt khác, khi Lam đưa về những khách hàng tốt thì buộc tôi phải tin tưởng cô Lam. Trong quá trình hoạt động của phòng giao dịch, đơn cử như cô Giang, cô Hiền đều xin chỉ tiêu của cô Lam, thậm chí bị cáo Lam trong 5 năm công tác còn không có lương thưởng mà thay vào đó, Eximbank Vinh còn “lợi dụng” cô Lam có thì lấy đâu mà "ưu ái””?
Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào hôm nay (6/7).
'Hot girl' Eximbank lừa đảo chiếm đoạt 50 tỷ đồng: Lỗi có hệ thống?
Tình trạng thụt két của khách hàng không chỉ diễn ra tại Phòng giao dịch ngân hàng Eximbank Đô Lương mà còn xảy ra tại chi nhánh ở TP HCM, Hà Nội, Vinh..., bị cáo Đặng Đình Hồng phân trần tại tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 5/7. |
Theo An Ninh Tiền Tệ