Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhằm gia tăng huy động vốn từ khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hiện có rất ít dự án PPP được chấp thuận đầu tư. Cả nước hiện có 2 dự án PPP trong lĩnh vực y tế đang được tiến hành triển khai tại Yên Bái và Đà Nẵng. Một số quy định trong Luật PPP và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức PPP.
Chủ trương xã hội hóa y tế vẫn tiếp tục được Đảng, Chính phủ khuyến khích thực hiện nhằm huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế ở các nghị quyết và Luật như: Nghị quyết số 19/NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII đã nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện cơ chế kết hợp công – tư về nhân lực và thương hiệu trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, giữa các bệnh viện công”; Luật PPP và Nghị định 35/2021/NDD-CQ.
Tuy nhiên, nguồn lực chuyên gia thực hiện công tác PPP trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam còn thiếu. Các mô hình hợp tác công tư mới chủ yếu tập trung trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đầu tư bệnh viện, trong khi các mô hình hợp tác trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở còn chưa nhiều. Thông tư hướng dẫn cụ thể về PPP trong lĩnh vực y tế của Bộ Y tế đã được xây dựng từ năm 2019 nhưng chưa được ban hành. Việc thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào lĩnh vực y tế vẫn chủ yếu thông qua hoạt động xã hội hóa.
Đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong dự thảo thông tư mới này ban soạn thảo sẽ hạ thấp quy mô đầu tư tối thiểu của mỗi dự án xuống dưới 50 tỷ đồng. Hiện nay, mức quy định của các dự án PPP tối thiểu là 100 tỷ đồng nhưng thực tế trong đầu tư y tế việc quy định hạn mức tối thiểu của các dự án là rất khó để thực hiện do đặc thù của dự án hoặc khu vực.
Chuyên gia Quốc tế về PPP Đoàn Tiến Giang cho biết, PPP trong lĩnh vực y tế phải đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ công bình đẳng cho tất cả người dân, không phân biệt vùng miền, giới tính, vì vậy việc tính toán phương án tài chính của các nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng đến các dự án.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc bổ sung Thông tư mới này phải phù hợp, cụ thể, chi tiết hơn với từng dự án, đặc thù của từng vùng miền, địa phương. Dự thảo lần này góp ý về các nội dung cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, thiết kế theo quy định của pháp luật về chuyên ngành; các báo cáo tiền khả thi; tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá; hướng dẫn các mẫu hợp đồng để phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực. Hiện, Bộ Y tế vẫn đang nhận đóng góp của các đơn vị liên quan, sửa đổi để hoàn thiện Thông tư.
Dự thảo Thông tư gồm 4 chương, 23 điều hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư PPP lĩnh vực y tế theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.
Các chuyên gia đánh giá, chi tiêu cho lĩnh vực y tế của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng rất nhanh, từ 23 tỷ năm 2022 và tăng lên hơn 42 tỷ trong năm 2028. Việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu đối với dịch vụ y tế chuyên sâu và dịch vụ y tế chất lượng cao. Việt Nam sẽ cần nhiều hơn nữa sự đầu tư từ khối tư nhân vào lĩnh vực y tế để có thể cung cấp chất lượng tốt hơn. Những đầu tư của khối tư nhân có thể thúc đẩy việc đổi mới công nghệ, mở rộng diện phủ y tế đến những khu vực khó khăn mà ngân sách Nhà nước có thể chưa đủ để đáp ứng.
Đại diện Trường Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn, dự thảo Thông tư lần này sẽ có hướng dẫn mẫu có tính chất gợi ý để tham khảo về cách thiết lập bảng tính toán về tổng mức đầu tư, phương án tài chính bởi từ trước đến nay có nhiều đơn vị chưa được tiếp cận những nội dung này.
Một số đại biểu cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển hình thức đối tác công - tư đầy hứa hẹn, với nguồn nhân lực năng động, tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng tăng, nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cũng đang tăng. Hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể mở ra những đóng góp hơn nữa từ khu vực tư nhân nhằm hướng tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiên tiến và bền vững./.