Đứng trên bờ Vịnh Jakarta, người ta có thể nhìn thấy những ngôi nhà mỏng manh với mái lợp bằng tấm kim loại nằm kế bên bức tường biển của thành phố. Những đoạn đê biển bằng đá này là vật cản duy nhất ngăn giữa những ngôi nhà và dòng nước của vịnh.
Tuy vậy, bức tường biển được gia cố và tôn cao sau năm 2007 đã bắt đầu rỉ nước. Dòng nước bẩn ở phía bên kia vẫn liên tục thấm qua các vết nứt tạo thành dòng bùn chảy tràn trước các căn nhà. Khi thủy triều lên cao, nước cứ thế tràn qua.
Ở thủ đô hơn 10 triệu dân này, sau mỗi trận mưa, người và xe cộ lại rẽ nước qua những con phố ngập lụt.
Giống như những người lao động nghèo khổ sống gần đê biển ở Muara Baru, bà Sukaesih, 60 tuổi, phải đối mặt với thực trạng này hàng ngày.
“Tôi đã ở đây từ năm 1981 nhưng tôi không biết liệu chúng tôi còn ở lại đây được bao lâu. Mỗi năm, nước lại dâng cao thêm”, bà Sukaesih nói với phóng viên của Guardian, bày tỏ nỗi lo ngại về nền đất ngày càng sụt xuống dưới chân mình.
Thành phố Titanic
Jakarta đang chìm xuống do sụt lún. Hệ thống đường ống ở đây không cung cấp đủ nước sạch cho người dân. Bởi vậy, họ chủ yếu sống dựa vào nguồn nước giếng lấy từ các tầng nước nông. Kết quả là mặt đất phía trên ngày càng sụt xuống.
Tỷ lệ hạ thấp gần 2 mm/năm của Venice chỉ là một giọt nước giữa đại dương so với thủ đô của Indonesia, đặc biệt là ở vành đai phía bắc, nơi có 4 triệu người sinh sống tại khu vực hiện thấp hơn 4 mét so với mực nước biển. Các vùng ở phía bắc Jakarta, bao gồm bức tường biển được thiết kế để bảo vệ thành phố, đang chìm với tốc độ gần 25 cm/năm.
Jakarta có thể trở thành thành phố Titanic của thế giới, nơi trẻ em lội qua dòng nước ngập đến thắt lưng để đến trường và gần nửa số dân thường xuyên sống trong ngập lụt.
Theo National Geographic, trong 15 năm nữa, 80% diện tích phía bắc thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển. Trong 50 năm nữa, các đường phố hiện tại có thể ở dưới mực nước ít nhất 30 cm.
Khi thành phố chìm xuống với tốc độ chưa từng có, nguy cơ xảy ra một trận lụt thảm khốc cũng ngày càng tăng cao nhưng không phải do nước biển dâng. Sau mỗi trận mưa, nước sông dâng cao không thể chảy ra vịnh do trọng lực sẽ dẫn tới tràn bờ.
Với hơn 50 người chết và 300.000 người buộc phải sơ tán, trận lụt năm 2007 chính là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Jakarta khi nước bao phủ hơn 1/3 thành phố.
Dự án hơn 40 tỷ USD của Jakarta nhằm xây dựng tường biển và 17 đảo nhân tạo hợp thành hình chim thần Garuda, biểu tượng của Indonesia. Đồ họa: Kuipercompagnons. |
Bức tường Biển Khổng lồ
Về lý thuyết, giải pháp rất đơn giản: cung cấp đủ nguồn nước máy sạch và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, chính quyền Jakarta lại có một kế hoạch đầy kịch tính và gây tranh cãi để cứu thành phố: dự án mang tên Bức tường Biển Khổng lồ và Garuda Vĩ đại.
Với sự hỗ trợ từ Hà Lan, họ bắt tay vào xây dựng một trong những dự án đê biển lớn nhất trong lịch sử. Dự án được chia làm 3 giai đoạn và được thực hiện trong vòng 30 năm nhằm dựng lên một đường đê ngoài biển dài 40 km và cao hơn 24 m, trong đó khoảng 8 m chiều cao của đê sẽ nổi trên mặt biển.
Để giúp chi trả khoản phí khổng lồ dự kiến lên tới 40 tỷ USD, các nhà phát triển bất động sản có thể mua đất trên 17 hòn đảo nhân tạo mới và xây dựng nhà ở cao cấp, trung tâm mua sắm và các văn phòng hạng A. Bức tường và các hòn đảo sẽ tạo thành hình Garuda, loài chim thần thoại có nguồn gốc từ Hindu giáo và là biểu tượng quốc gia của Indonesia.
Nhìn từ trên cao, Garuda Vĩ đại sẽ chẳng thua kém gì Quần đảo nhân tạo Cây cọ ở Dubai, còn các công trình kiến trúc xa xỉ ở đây sẽ tương tự như đảo Sensota ở Singapore.
Cuộc tranh luận ‘chìm – nổi’
Mặc dù Hà Lan nổi tiếng khắp thế giới về kinh nghiệm cải tạo đất đai và chống lại nước biển dâng, một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về động cơ và hiệu quả thực sự của dự án bạc tỉ này.
Các nhà khoa học Indonesia, người dân địa phương và các nhà hoạt động đất đai cho rằng dự án kì dị này là không cần thiết và sẽ trở thành thảm họa tàn phá môi trường và xã hội.
Cuộc sống của các làng chài truyền thống sẽ bị hủy hoại khi nơi ở của người dân ven biển bị san phẳng và họ buộc phải di dời tới địa điểm mới cách đó 16 km.
Ngoài ra, việc xây tường ngăn vịnh sẽ biến nó thành “đầm tự hoại”, ngăn chặn dòng nước lưu thông và khiến nỗ lực “khử trùng” nước sông của Jakarta thành phản tác dụng.
“Thay vào đó, nếu chúng ta có thể phục hồi lại vịnh và vùng nước ô nhiễm của nó, đó sẽ là điều tốt cho nền văn minh ở Indonesia. Tôi tin rằng một nền kinh tế mới có thể bắt đầu từ đấy – trong ngành du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản”, Alan Koropitan, giáo sư hải dương học tại Đại học Nông nghiệp Bogor cho biết.
Vào thế kỷ 19, thực dân Hà Lan đã bắt đầu cuộc di cư về phía nam, rời xa bờ biển Jakarta. Họ muốn sống ở những khu vực xanh tươi hơn, ít bệnh dịch và lũ lụt. Xu hướng này vẫn tiếp diễn sau khi Indonesia giành độc lập vào năm 1945.
Phần lớn người dân lựa chọn sống ở những khu vực giờ được gọi là Bắc, Đông và Tây Jakarta. Điều này đã bỏ lại một bờ biển chỉ còn các bến tàu, hải cảng cùng những khu ổ chuột của ngư dân.
Ở tuổi 58, Suhali, người dân ở làng chài Muara Angke, có khuôn mặt nhăn nheo già nua hơn tuổi bởi hàng chục năm lênh đênh trên biển dưới ánh mặt trời vùng nhiệt đới. Ông kiếm được trung bình 25-40 USD mỗi tháng nhờ làm việc trên các tàu thuyền mà giờ phải mạo hiểm vươn xa hơn ngoài biển để đánh bắt.
“Trước đây tôi thường câu cá ở chỗ này”, Suhali nói với phóng viên Guardian trên con thuyền nhỏ ọp ẹp của ông khi họ đã ở ngoài khơi. “Nhưng giờ họ đang xây dựng trên vùng nước của chúng tôi, không còn cá để bắt ở đây nữa”.
“Chúng tôi chính là những người sống và làm việc ở đây, vậy mà chẳng ai hỏi han gì về tương lai của chúng tôi cả”, ông nói. “Giới thượng lưu, chính trị gia và người giàu là những người đưa ra quyết định nhưng họ lại không quan tâm và không hiểu chúng tôi”, Suhali bày tỏ lo ngại về dự án của chính phủ mà ông cho là vô ích.
Năm 2014, chính quyền Jakarta đã bắt đầu giai đoạn 1 của dự án Garuda Vĩ đại. Tuy nhiên, quá trình cải tổ nội các ở Indonesia trong năm nay đã khiến khả năng tiếp tục hoàn thiện công trình này bị bỏ ngỏ.
Trong lúc đó, khi đứng trên tuyến đê biển dang dở của thành phố, người ta biết rằng vùng đất Jakarta vẫn đang chìm dần xuống biển.