Theo báo cáo của Bộ Khoa học Trung Quốc, một cơ sở tương đương "trạm không gian" này sẽ nằm sâu 3.000 m dưới mặt nước biển. Dự án được đề cập trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Trung Quốc được công bố hồi tháng 3, và đứng hạng 2 trong danh sách 100 công trình khoa học công nghệ được ưu tiên chú trọng của Trung Quốc.
Bộ này cho biết, đơn vị thi công chính của dự án là Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc. Khi đi vào hoạt động, nó có thể chứa hàng chục chuyên viên làm việc dưới đáy biển trong một tháng.
Ảnh minh họa: Daily Mail
Trạm nghiên cứu biển sâu được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về nghiên cứu và khai thác đáy biển so với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Nga.
Do vậy, sau quá trình nghiên cứu, Bắc Kinh quyết định thúc đẩy các công tác chuẩn bị để sớm xây dựng trạm nghiên cứu khổng lồ này. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa công bố thêm nhiều thông tin cụ thể, như các mốc thời gian hoặc tính toán chi phí, cũng như vị trí thi công...
Bryan Clark, chuyên gia tại Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược (CSBA, Mỹ) nhận định với Bloomberg rằng: "Trước đây chưa có công trình do con người vận hành nào được đặt mục tiêu ở độ sâu như vậy, nhưng không có nghĩa là không khả thi. Những tàu ngầm có người lái đều đã hoạt động ở độ sâu này gần 50 năm qua".
Những vùng Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Ảnh: WSJ |
Dự án được cho là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Xu Liping, nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói phát triển đại dương là một chiến lược quan trọng của chính phủ.
"Nhưng trạm nghiên cứu biển sâu này không có ý đồ nhằm vào một nước nào. Dự án của Trung Quốc chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, nhưng chúng tôi không thể loại trừ các chức năng quân sự", ông nói.
Theo các chuyên gia, ngoài tham vọng tìm kiếm dầu khí và các nguồn tài nguyên dưới Biển Đông để đáp ứng nhu cầu lớn của Trung Quốc, trạm này có thể di động và sử dụng trong mục đích quân sự. Công ty tình báo IHS Jane's cho biết Trung Quốc đã đề xuất xây dựng một mạng lưới cảm biến gọi là "Dự án Vạn lý Trường thành dưới biển" để giúp phát hiện các tàu ngầm Mỹ và Nga.
Theo Zing