Tuy nhiên, một điều bất lợi là trong quá khứ Joe Biden cũng đã không gặt hái được mấy thành công trong lĩnh vực đối ngoại. Đông đảo giới quan sát nhận định ông đã làm suy yếu thêm những nỗ lực gây dựng ảnh hưởng của Mỹ tại Iraq thời hậu chiến, thỏa hiệp với những nhà lãnh đạo độc tài, và chưa từng có thành quả đối ngoại nào đáng kể. Ít người kỳ vọng vào việc Joe Biden có thể cải thiện quan hệ đối ngoại của Mỹ sau những tổn thất dưới sự lãnh đạo của chính quyền Donald Trump.
Báo giới đưa ra nhận định về đường lối của Joe Biden giải quyết một số một số lĩnh vực đối ngoại mà Mỹ đang đối mặt ngay trong lúc này.
Biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19
Joe Biden từng khẳng định sẽ đưa nước Mỹ quay trở lại với thỏa thuận khí hậu Paris. Bên cạnh đó, ông cũng sẽ nhanh chóng áp dụng các biện pháp quyết liệt để chống dịch COVID-19. Các nguồn tin từ chiến dịch tranh cử của Joe Biden cho biết kế hoạch COVID-19 của ông sẽ đặt trọng tâm vào việc giải quyết cả hai cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế. Ở cấp độ toàn cầu, nội dung nổi bật trong kế hoạch chống COVID-19 của Joe Biden sẽ là đảo ngược quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới WHO. “Chúng ta cần ngay lập tức phục hồi quan hệ với WHO, dù cho tổ chức nào còn những thiếu sót và quyết định sai lầm trong cuộc chiến chống COVID-19”, ông Biden phát biểu hồi cuối tháng trước.
Joe Biden lên kế hoạch cứu nước Mỹ khỏi đại dịch COVID-19. |
Joe Biden cũng kỳ vọng nước Mỹ sẽ lãnh đạo một liên minh toàn cầu tìm kiếm vaccine và thuốc điều trị dịch bệnh này. “Cần có sự điều phối nỗ lực toàn cầu chống COVID-19, và nước Mỹ nên dẫn đầu những nỗ lực này như chúng ta từng làm trong quá khứ”, ông nói.
Nhiều nhà quan sát đưa ra nhận định một chính quyền Joe Biden sẽ dành nhiều ngân sách liên bang hơn cho lĩnh vực sức khỏe toàn cầu. Nguồn tiền sẽ được điều hướng từ ngân sách quốc phòng sang ngân sách chống COVID-19 trong và ngoài nước. Đây sẽ là một trong những bước đi đầu tiên của Joe Biden nhằm đảo chiều chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm và gửi đi một thông điệp rằng Mỹ đã trở lại thành một nhà lãnh đạo thế giới với đầy đủ năng lực giải quyết các vấn đề toàn cầu. “Với 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, tôi đã nhận ra một sự thật giản đơn: Khả năng lãnh đạo thế giới của nước Mỹ không chỉ dựa vào tấm gương của quyền lực, mà còn dựa vào quyền lực từ việc làm gương”, ông từng viết trong một bài xã luận trên Thời báo New York hồi năm 2017.
Củng cố quan hệ với đồng minh
Kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, lưỡng đảng Mỹ gần như theo đuổi những đường lối chung trong đối ngoại. Các tổng thống đến từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều sử dụng quyền lực của Mỹ để định hình và duy trì cái gọi là “trật tự thế giới tự do”. Trật tự này cho phép Mỹ tiếp cận các thị trường xuất khẩu và xây dựng liên minh chống lại các đối thủ của mình. Dù không hoàn hảo, nhưng trật tự thế giới này cho phép Mỹ duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới.
Đây cũng là một trật tự thế giới mà Joe Biden muốn phục hồi và bảo vệ. Và theo ông, cách tốt nhất để làm điều này là duy trì và củng cố hệ thống quốc gia đồng minh đóng vai trò then chốt cho trật tự này. Ông cho rằng sẽ không thể giải quyết các vấn đề toàn cầu nếu các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, Đông Á và những nơi khác muốn không can dự.
Tuy nhiên, việc tái thiết lập mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh nói dễ hơn là làm. Ông Biden sẽ phải gây dựng lại niềm tin đã đánh mất trong suốt nhiệm kỳ Donald Trump. Thủ tướng Đức Angela Markel hồi năm 2018 từng tuyên bố nước Đức không tiếp tục trông cậy vào Mỹ trong việc duy trì trật tự thế giới. “Chúng ta không thể dựa vào siêu quyền lực của nước Mỹ”, bà nói. Về phần mình, Tổng thống Donald Trump hồi tháng trước cũng đã cho rút gần 12.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức với lý do Đức không đóng góp đủ phần mình vào ngân sách quốc phòng NATO. Sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để hàn gắn lại những rạn nứt như vậy.
Nếu việc gây dựng lại niềm tin của các đồng minh đã khó khăn, thì việc tái định hình khối đồng minh tương lai lại càng khó khăn gấp bội. Nếu được lịch sử đặt vào vị trí ông chủ Nhà Trắng, Joe Biden cũng sẽ phải tính toán về việc ai sẽ ra đi và ai sẽ ở lại trong khối đồng minh của mình.
Hai trong số đồng minh truyền thống của nước Mỹ đang đứng trước sự chỉ trích ngày càng nặng nề của chính giới Mỹ. Israel dưới thời của Tổng thống Benjamin Netanyahu khiến thế giới đau đầu với những nước đi quyết đoán nhằm o ép người Palestine, đe dọa đến sự tồn vong của giải pháp hai nhà nước mà thế giới theo đuổi. Arab Saudi với hàng loạt vụ việc vi phạm nhân quyền xảy ra những năm gần đây cũng đang khiến chính giới Mỹ đặt dấu hỏi lớn về việc nên hay không tiếp tục dành sự ủng hộ cho đất nước này.
Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc Joe Biden sẽ phải tìm ra một hướng đi để cứu vãn cấu trúc đồng minh của Mỹ khỏi nguy cơ đổ vỡ, củng cố để khối đồng minh trở nên mạnh mẽ hơn.
Đối đầu với Trung Quốc
Đối đầu với Trung Quốc không phải một ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Joe Biden. Lý do không phải vì ông coi nhẹ ảnh hưởng của Trung Quốc, mà bởi ông tin rằng nước Mỹ chỉ có thể chiến thắng trong cuộc đối đầu với nước này thông qua việc giải quyết tốt các vấn đề đối nội và xây dựng được khối đồng minh vững mạnh, đồng lòng trong việc kiềm tỏa Trung Quốc.
“Cách hiệu quả nhất để đối mặt với những thách thức từ Bắc Kinh là xây dựng một mặt trận bạn bè và đối tác đoàn kết để đối đầu với những hành vi gây hấn từ Trung Quốc”, ông nói.
Các nguồn tin thân cận với Joe Biden nhận định ông sẽ có cách tiếp cận tương đối cứng rắn với Bắc Kinh, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, an ninh mạng, công nghệ và nhân quyền. Nhưng đồng thời, Joe Biden cũng nhận thức rằng Washington và Bắc Kinh cần hợp tác trong một loạt những vấn đề lớn như dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu. Cuộc đối đầu với Bắc Kinh không thể là cuộc chiến một mất một còn như thời Chiến tranh Lạnh.
Giải giáp hạt nhân
Một tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ Phó Tổng thống, Joe Biden phát biểu trước truyền thông về di sản an ninh hạt nhân của chính quyền Obama, theo đó thành công nổi bật là những thỏa thuận hạt nhân mà nước Mỹ đã đạt được với Iran, Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nguy cơ phổ biến hạt nhân hiện đã cao hơn rất nhiều so với thời điểm Joe Biden rời nhiệm sở. Đương kim Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ và rút lui khỏi nhiều thỏa thuận hạt nhân quốc tế, làm lung lay hàng rào phòng vệ chống phổ biến hạt nhân toàn cầu.
Hiện tại, chỉ còn vài tháng ngắn ngủi trước khi thỏa thuận hạt nhân giữa Washington và Moskva hết hiệu lực. Triều Tiên đã phát triển đầu đạn hạt nhân trên tên lửa tầm xa. Iran tiếp tục hoàn thiện năng lực hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề hạt nhân sẽ trở nên nổi cộm hơn nữa trong “nhiệm kỳ Biden” hơn là trong nhiệm kỳ của những người tiền nhiệm.
Nếu trở thành tân tổng thống Mỹ, nhiều khả năng Joe Biden sẽ cứu vãn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược New START trước khi hiệp ước này hết hiệu lực, như ông đã từng hứa hẹn trước đó: “Tôi sẽ theo đuổi việc gia hạn hiệp ước New START, một trụ cột của ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga, và lấy nó làm nền tảng cho những thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới”.
Về vấn đề Triều Tiên, nhiều khả năng Joe Biden sẽ quay lại với đường lối truyền thống của Mỹ: Không tiếp tục các hội nghị thượng đỉnh từng có trong nhiệm kỳ Donald Trump, nhưng tiếp tục tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc cấp thấp để vạch ra chi tiết cho một thỏa thuận hạt nhân tương lai. Cùng lúc, các biện pháp trừng phạt cứng rắn sẽ được duy trì cho đến khi Triều Tiên có những bước đi nghiêm túc nhằm giải giáp kho hạt nhân của mình.
Trong mối quan hệ với Iran, các nguồn tin thân cận cho biết Joe Biden sẽ để ngỏ cánh cửa quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 nếu Iran tuân thủ thỏa thuận này. Tiếp sau đó, Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh phương Tây tham gia vào thỏa thuận để thúc đẩy các cuộc đàm phán về các vấn đề khu vực. Trong trường hợp cần phải gây sức ép với Iran trong các vấn đề này, ông Biden đề ra các biện pháp: bao vây trừng phạt kinh tế; tăng cường ủng hộ Israel; tăng cường hợp tác tình báo và an ninh với các đối tác khu vực, củng bố năng lực của các nước như Iraq để chống lại ảnh hưởng từ Iran; đẩy mạnh biện pháp ngoại giao nhằm chấm dứt các cuộc chiến tranh ở Yemen và Syria. Phát biểu trước báo giới, ông Biden cũng để ngỏ khả năng sẽ tấn công quân sự phủ đầu để chặn không cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Chấm dứt các cuộc chiến tranh
Nước Mỹ đã tham chiến suốt từ năm 2001 tới nay. Hàng nghìn người Mỹ đã thiệt mạng. Hàng nghìn tỷ USD đã tiêu tốn vào các cuộc chiến này. Nhưng kết quả không tốt hơn, nếu không muốn nói là xấu đi: lực lượng Taliban đang trỗi dậy ở Afghanistan; Iraq tiếp tục trong tình trạng loạn lạc - chính phủ đang xích lại gần hơn với Iran, còn người dân thì đang lên tiếng yêu cầu Mỹ ngừng can dự vào công việc nội bộ của nước mình.
Nếu trở thành Tổng thống Mỹ, Joe Biden đứng trước áp lực phải chấm dứt những “cuộc chiến bất tận” này. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Trong vấn đề Afghanistan, Joe Biden được cho là sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt gây áp lực lên Pakistan nhằm buộc nước này cắt đứt mối liên hệ với lực lượng Taliban.
Với các đường lối rút dần khỏi các cuộc chiến tranh, củng cố lại các mối quan hệ đồng minh, tập trung vào các vấn đề y tế và kinh tế toàn cầu, nhiều nhà quan sát nhận định Joe Biden trong vai trò tổng thống sẽ cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, mục tiêu chấm dứt các cuộc “chiến tranh bất tận” được cho là sẽ rất khó khăn, và ông sẽ chỉ đạt được một phần của mục tiêu này.