Hàng loạt trường kêu "trời" vì số lượng thí sinh nhỏ giọt
Tại Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội), mặc dù có tới 1.000 chỉ tiêu và tuyển sinh bằng cả 2 phương án lấy kết quả tổ hợp môn theo kỳ thi THPT quốc gia và xét học bạ THPT nhưng đến ngày cuối xét tuyển bổ sung đợt 1 mới có hơn 260 thí sinh ĐKXT. Theo cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường, mặc dù Bộ GD và ĐT khi đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đã tính toán số dư so với chỉ tiêu nhưng thực tế tuyển sinh vẫn rất khó khăn.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) cho biết chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của trường là 950. Tuy nhiên, mới chỉ có 100 thí sinh vào học theo diện xét học bạ, còn lại không có thí sinh nào ĐKXT dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1: Hàng loạt trường ĐH không tuyển đủ chỉ tiêu. Ảnh minh họa. |
Tại Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), theo PGS, TS, NGƯT Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, đến ngày cuối xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, nhà trường mới nhận được 60 hồ sơ đăng ký. Trường hy vọng vào đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo sẽ có nhiều thí sinh ĐKXT vì khi đó, các trường “tốp trên”, trường công lập đã cơ bản hoàn tất tuyển sinh…
PGS-Tiến sĩ Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội), cho biết năm nay trường tuyển 1.900 chỉ tiêu bậc ĐH và CĐ. Trong xét tuyển NV đợt 1 (từ 1 đến 20-8), có 1.500 TS đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, tuy nhiên số TS đến nhập học chưa đầy 800 em, tỉ lệ TS ảo lên đến 50%. Trong đợt xét tuyển NVBS lần 1 (từ 26-8 đến 7-9), tình hình cũng không mấy khả quan khi trong hơn 10 ngày qua trường chỉ tiếp nhận khoảng 700 hồ sơ, trong đó bao gồm cả xét tuyển bằng học bạ và bằng điểm thi kỳ thi THPT quốc gia.
Tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một trong những trường còn thiếu chỉ tiêu nhiều nhất nước với 4.000 chỉ tiêu, lượng TS đến nộp hồ sơ cũng không khá khẩm hơn. GS-Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết tổng số hồ sơ nhà trường nhận được trong đợt xét tuyển NVBS lần này là khoảng 1.500 hồ sơ. “Quá ít so với chỉ tiêu của trường. Hồ sơ đến rất ít, nguyên nhân thế nào tôi cũng không rõ. Hiện nay chúng tôi rất lo lắng vì sẽ tuyển không đủ chỉ tiêu” - ông Hóa nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh, trưởng phòng Tư vấn, tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết, trường dự kiến gọi nhập học 3.200 chỉ tiêu/4.400 hồ sơ. Do đó, dự kiến hơn 1.000 sinh viên không trúng tuyển trong đợt này. “Tuy nhiên, do tỷ lệ ảo trong đợt này khá cao nên trường vẫn phải tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 3 với khoảng 500 chỉ tiêu đối với những thí sinh đạt điểm trúng tuyển đợt 2 trở lên”, ông Anh nói.
Thí sinh đi đâu?
Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên: Những điều chỉnh trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt một phần nào phát huy tác dụng tích cực, thuận lợi hơn, không làm học sinh lo lắng. Tuy nhiên, việc có tới 12 nguyện vọng gây nên tình trạng hồ sơ ảo với số lượng lớn. Để khắc phục, các trường chỉ còn cách tính số thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu theo một tỷ lệ nhất định để trừ hao số lượng ảo. Kỳ tuyển sinh năm tới, Bộ GD và ĐT cần phải xem xét lại toàn bộ quá trình tổ chức tuyển sinh để đưa ra những thay đổi hợp lý.
Theo Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD và ĐT) Mai Văn Trinh, những điều chỉnh trong đợt xét tuyển bổ sung giúp cho công tác xét tuyển nền nếp, quy củ hơn. Cách thức tuyển hiện nay, Bộ GD và ĐT đã tính toán, lường trước tình trạng hồ sơ ảo chứ không phải khi xét tuyển mới phát sinh. Tuy nhiên, đợt xét tuyển bổ sung có số lượng thí sinh khá ít, số lượng ảo cũng có thể ở mức độ chấp nhận được.
Phân tích về nguyên nhân số lượng TS đến xét tuyển NVBS đìu hiu, dẫn tới “thảm cảnh” nhiều trường thiếu chỉ tiêu, PGS-Tiến sĩ Vũ Phán cho rằng có thể do bốn nguyên nhân sau: Thứ nhất, TS vùng sâu, vùng xa đạt điểm trên mức điểm ngưỡng của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên không có đủ điều kiện để đi học. Thứ hai, nhiều TS vẫn còn phân vân chọn trường, chọn ngành nên chưa nộp hồ sơ xét tuyển NVBS. Thứ ba, có thể một số trường công lập đã đủ chỉ tiêu nhưng “ghim” hồ sơ của những TS điểm cao không đỗ vào chương trình chính quy để chuyển sang đào tạo các chương trình liên kết. Thứ tư, một số TS đạt điểm vượt ngưỡng nhưng lại không đỗ vào trường, vào ngành mình yêu thích nên quyết định chờ sang năm để thi tiếp.
“Tuy nhiên, đây cũng là giả thuyết tôi đặt ra, còn nguyên nhân chính xác vì sao thì các trường cũng không rõ” - ông Phán nói.
Đợt 3 nhận đơn từ 11/9 đến 21/9
Các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 2 trước 10/9; Đợt 3: Các trường nhận ĐKXT từ ngày 11/9 đến ngày 21/9, công bố kết quả trúng tuyển trước 24/9; Đợt 4: Các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận ĐKXT từ ngày 25/9 đến ngày 15/10 và công bố kết quả trúng tuyển trước 19/10. Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20/10.
Xem thêm:
- Làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung thế nào?
- Hồ sơ nhập học tân sinh viên cần chuẩn bị gì?
Tuấn Minh (t/h)