Khá “Bảnh” chỉ là 1 cái tên, 1 tiếng nói đại diện cho 1 tầng lớp. Không có Khá thì sẽ có Giỏi, có Tốt. Học chưa hết cấp 2, cuộc sống buồn chán ở nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ thành phố thị, sớm thành thạo ăn chơi và thích được nổi danh. Công thức ấy tạo ra Khá “Bảnh”, và cũng là công thức chung của hàng vạn thanh niên nông thôn hiện nay.
Những nơi ấy, đường bê tông vào đến từng thôn, nối với các tuyến quốc lộ. Giá đất lên ầm ầm. Người nông dân ngơ ngác mỗi ngày ra đầu làng nghe giá đất lên theo cấp số nhân (là nghe thế thôi, chứ bán được còn là cả vấn đề). Và tiền thì chưa thấy, nhưng thấy con cái bỏ học, nhuộm tóc đủ màu, xăm kín chân tay, suốt ngày cắm mặt vào smartphone, chơi ma túy và bốc bát họ lấy tiền ăn chơi là chuyện cơm bữa.
Để một tầng lớp thanh niên đông đảo, sức vóc như thế bị gạt sang bên lề, đừng hỏi vì sao có nhiều băng nhóm, vì sao có nhiều người quyết chí vượt biên - dù không thực sự khó nghèo. Ở đây là câu chuyện hướng nghiệp, cân bằng và bình đẳng trong tiếp cận cơ hội. Những nhà máy, những khu đô thị vệ tinh mọc lên, và đẩy những người nông dân cùng con cái họ vào những lựa chọn ít ỏi cho tương lai, dù có thể trong tay là những cọc tiền.
Trước tòa, Khá “Bảnh” khai cậu có nghề mộc, thu nhập 500.000 - 700.000 đồng mỗi ngày. Đó là một mức thu nhập không hề tồi, và có thể đường hoàng nuôi sống bản thân cũng như gia đình. Nhưng để mua một chiếc ô tô, thì đương nhiên anh thợ mộc Khá “Bảnh” phải nhường chỗ cho anh giang hồ Khá “Bảnh”.