Tính đến hết năm 2023, Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã sưu tầm, lưu giữ hơn 23.000 tư liệu, hiện vật.
Các hiện vật được phân loại theo chất liệu đá, kim loại, gốm, mộc, phim ảnh và các chất liệu khác. Trong đó có hai bảo vật quốc gia, gồm trống đồng Pha Long và trống đồng Gia Phú.
Trống đồng Pha Long được công nhận năm 2018, tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 14/12/ 2018 của Thủ tướng chính phủ, trống đồng Pha Long tỉnh Lào Cai đã được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 7).
Trống đồng Pha Long có đường kính mặt 74cm; trọng lượng 3,2kg; có niên đại Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500-2000 năm cách ngày nay, được người dân tỉnh Lào Cai phát hiện từ năm 1956.
Trống chỉ còn nguyên vẹn phần mặt và 1 phần tang, do được phát hiện tại xã Pha Long, huyện Mường Khương nên thường gọi là trống Pha Long. Mặt trống có patin xanh ngả xám. Hoa văn mặt trống đồng Pha Long tính từ tâm ra rìa mặt trống có các vành hoa văn: hình ngôi sao 16 cánh tượng trưng cho thần Mặt Trời, vì người dân Văn Lang có tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời, hình bông lúa thể hiện thành các hạt nhỏ đối xứng so le qua một đường tròn nổi ở chính giữa, hình 19 con chim Lạc mỏ dài, cổ dài, thân dài sải cánh bay quanh Mặt Trời, hình răng cưa, hình chấm tròn nhỏ nổi.
Phần tang còn lại, từ trên xuống là các vành hoa văn chấm tròn nhỏ nổi, hoa văn hình răng cưa, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Phần dưới cùng bị gẫy mất, do đó, chỉ còn nhận thấy những nét hoa văn còn lại là hoa văn hình thuyền.
Trống đồng Gia Phú được công nhận năm 2021, tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng chính phủ, trống đồng Gia Phú đã được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 10).
Theo thông tin của Bảo tàng tỉnh Lào Cai, ngày 28/3/2019, trong quá trình san gạt đất làm nền nhà, gia đình bà Hoàng Thị Vắng, xã Gia Phú (Bảo Thắng) đã phát hiện một chiếc trống đồng và một số di vật (xương, rìu đồng). Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận hiện vật này từ gia đình tự nguyện giao nộp cho Nhà nước và đặt tên là trống đồng Gia Phú.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia trống đồng Gia Phú, hiện vật được chôn ở độ sâu gần 4m; công cụ, đồ trang sức chôn theo có niên đại tương đồng văn hóa Đông Sơn.
Tổng thể trống đồng còn tương đối nguyên vẹn, có chiều cao 38cm, rộng đáy 67,5cm, mặt trống có đường kính rộng 63cm, phần tang trống cao 23cm, phần bầu và mặt trống cao 15cm.
Trống đồng có 4 quai được bố trí đối xứng hai bên cách nhau 27cm xen kẽ giữa các hoa văn hình khắc vạch, hình người cách điệu và hình chim Lạc. Chính giữa mặt trống được khắc họa hoa văn hình mặt trời 12 cánh, xung quanh là những vòng hoa văn hình chim Lạc và hình răng cưa đối xứng đều nhau.
Theo Bảo tàng tỉnh Lào Cai, trống bị nứt một đường từ chân lên thân dài khoảng 29 cm. Thân bị thủng một miếng nhỏ. Chân trống bị vỡ 2 miếng nhỏ.
Để phát huy giá trị bảo vật quốc gia, tỉnh Lào Cai chủ trì và phối hợp với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tổ chức nhiều biện pháp nghiệp vụ đưa vào hoạt động trải nghiệm cho thế hệ học sinh trong chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, như tổ chức rập, vẽ lại chi tiết hoa văn tổng thể trống Gia Phú và mặt trống Pha Long. Xử lý kỹ thuật, sử dụng làm phông khánh tiết các sự kiện, hội nghị, hội thảo.
Ngoài ra, tỉnh sử dụng trong thiết kế mỹ thuật hoạt động trưng bày, triển lãm trên địa bàn tỉnh; phục chế, làm bản sao hiện vật trống đồng Pha Long phục vụ trưng bày.
Tỉnh còn nghiên cứu, phát triển gắn với giáo dục với các hoạt động cụ thể như làm bản sao mặt trống kích thước nhỏ phục vụ thực hành rập, vẽ, tìm hiểu giá trị trống đồng Pha Long trong đời sống con người thời kỳ Đông Sơn thuộc chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương tại bảo tàng; nghiên cứu, phát triển sản phẩm hàng lưu niệm như đĩa trưng bày, chặn giấy để bàn, móc khóa, tờ rơi,… từ chất liệu đồng, mica, thủy tinh, giấy.
Bảo vật quốc gia là hiện vật hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với quốc gia. Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng 12 lần công nhận 294 bảo vật quốc gia.