Phát hành bộ tem "Bảo vật quốc gia: Đồ gốm"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhằm tiếp tục tôn vinh, quảng bá và giới thiệu những nét đặc sắc, độc đáo giá trị của bảo vật đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, ngày 28/7, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm”.
Mẫu tem giới thiệu bình gốm Đầu Rằm và bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh trong bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm”.
Mẫu tem giới thiệu bình gốm Đầu Rằm và bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh trong bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm”.

Bộ tem gồm 4 mẫu, giới thiệu các hiện vật: Bình gốm Đầu Rằm; Bộ Sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh; Bình gốm Nhơn Thành; Thống gốm hoa nâu được họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế trên khổ 37 x 37 (mm).

Nội dung tem mẫu 1 là hình ảnh bình gốm Đầu Rằm - hiện vật được các nhà nghiên cứu nhận định thuộc giai đoạn muộn của Văn hóa Phùng Nguyên, có niên đại cách ngày nay hơn 3.000 năm. Bình gốm được phát hiện vào năm 1998 tại khu di chỉ khảo cổ học Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Đây là hiện vật gốc độc bản có hình dáng chiếc gùi tre duy nhất của thời đại đồng thau sơ kỳ được phát hiện trong khảo cổ học, được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ khoảng 700 - 800 độ C, xương gốm màu xám đen làm bằng đất sét pha vụn vỏ nhuyễn thể, áo gốm màu đỏ sẫm làm bằng đất sét mịn pha bột thổ hoàng. Hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh và được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 7 (tháng 12/2018).

Mẫu 2 là hình ảnh bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh. Bộ sưu tập gồm 18 bình gốm đất nung có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật, phản ánh sự khéo léo tài hoa của cư dân Sa Huỳnh, Long Thạnh, Quảng Ngãi cũng như sự phát triển của nghề thủ công làm gốm đất nung của cộng đồng cư dân trong thời kỳ tiền sử. Những di vật trong di tích Long Thạnh có giá trị nổi bật, đánh dấu giai đoạn phát triển từ tiền Sa Huỳnh lên đỉnh cao của văn hóa Sa Huỳnh. Do đó, đồ gốm Sa Huỳnh được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về mỹ thuật trang trí của các loại hình đồ gốm này. Các bình gốm được làm bằng kỹ thuật nặn tay kết hợp dải cuộn với chất liệu đất sét được lọc kỹ pha cát mịn, xương gốm mỏng tương đối chắc, áo gốm màu đỏ, kiểu dáng thanh thoát, hoa văn trang trí phong phú tạo được phong cách riêng.

Hiện, bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, cũng được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 7.

Mẫu tem thứ 3 là hình ảnh bình gốm Nhơn Thành. Bình gốm được phát hiện ở di chỉ Nhơn Thành còn trong tình trạng nguyên vẹn. Đây là tiêu bản bình có vòi còn nguyên vẹn nhất trong văn hóa Óc Eo. Hiện vật đã phản ánh được sự hội tụ, kết tinh đỉnh cao của kỹ thuật thủ công chế tác gốm, cũng như tư duy thẩm mỹ độc đáo, có sự kết hợp từ sự giao thoa văn hóa, tôn giáo giữa văn hóa bản địa của cư dân Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long với bên ngoài (Ấn Độ) giữa vào giữa thiên niên kỷ I, từ đó tạo ra sản phẩm đồ gốm đặc sắc riêng có, trở thành một nét đặc trưng nổi bật của văn hóa giai đoạn này. Với nguồn gốc rõ ràng, giá trị thẩm mỹ cao, bình gốm có vòi Nhơn Thành không chỉ là một di vật tiêu biểu, quý hiếm của nền văn hóa Óc Eo, mà còn là một sản phẩm văn hóa vật chất quan trọng, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử phát triển rực rỡ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đất Nam Bộ nói chung. Bình gốm Nhơn Thành hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ và được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 7.

Mẫu tem thứ 4 là hình ảnh thống gốm hoa nâu - hiện vật độc đáo điển hình được phát hiện tại khu di tích đền Trần. Đây là khu di tích lịch sử quan trọng của quốc gia có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử thế kỷ XIII - XIV, là quê hương cũng là kinh đô thứ hai của Vương triều Trần - Vương triều Phong kiến thịnh trị và vẻ vang nhất trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc.

Thống gốm được tạo dáng một bông sen nở 8 cánh, trong mỗi cánh dọc thân là một cành hoa sen gồm 3 bông hoa sen nở xòe hết cỡ, 4 lá sen cách đều. Cành hoa sen này được cắm vào một bình có chân đế cao. Thống gốm hoa nâu có dáng chắc khỏe, cốt gốm dầy, chất đất thô xốp, trong lòng để mộc không thấy có tráng men, họa tiết trang trí theo lối khắc vẽ thành đường nền rồi dùng màu nâu lấy từ đất đỏ, tô vẽ thành mảng. Sau cùng thống được nghệ nhân phủ tráng một lớp men vàng ngà. Hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 5 (tháng 12/2016).

Bảo vật quốc gia là hiện vật hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với quốc gia. Mỗi bảo vật quốc gia là một di sản quý giá chứa đựng những thông điệp của quá khứ, tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bảo vật quốc gia do Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt, giúp di sản được gìn giữ trao truyền cho thế hệ sau.

Họa sỹ Nguyễn Du cho biết, hình ảnh các bảo vật đã được Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Thành phố Cần Thơ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cung cấp và cho phép sử dụng để giới thiệu trên tem bưu chính. Bộ tem này sẽ được cung ứng từ hôm nay (28/7) đến ngày 30/6/2026.

Trước đó, đã có 2 bộ tem chủ đề "Bảo vật quốc gia" đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành. Đầu tiên là là Bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 1): Đồ đồng” gồm 4 mẫu giới thiệu Bộ khóa đai lưng bằng đồng; Thạp đồng Hợp Minh; Kiếm ngắn Núi Nưa; Cây đèn đồng hình người quỳ.

Bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 2): Đồ vàng” cũng gồm gồm 4 mẫu giới thiệu các bảo vật: Ấn Sắc mệnh chi bảo, niên đại: năm Minh Mệnh thứ 8 (1827); Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, niên đại: Năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709); Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, niên đại: Thế kỷ XIV; Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, niên đại: thế kỷ VII – VIII.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?