Khám phá phong vị Tết cung đình xưa

0:00 / 0:00
0:00
Vào dịp Tết Nguyên đán nước ta có nhiều phong tục truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc vẫn còn được nhân dân ta bảo tồn, phát huy giá trị cho đến ngày nay. Thế nhưng, các nghi lễ đón Tết trong cung đình giống và khác dân thưởng ra sao vẫn là sự bí ẩn, với đại bộ phận người dân.
Khám phá phong vị Tết cung đình xưa

Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, khách du xuân đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có cơ hội tìm hiểu và khám phá Tết của vua quan xưa qua triển lãm “Cung đình đón Tết”.

Khám phá Tết cung đình xưa

Theo các tài liệu nghiên cứu: Việc chuẩn bị Tết trong hoàng cung diễn ra từ rất sớm, ngay từ ngày mùng 1 tháng Chạp hàng năm bằng Lễ ban lịch năm mới cho các quan tại Điện Thái Hoà, gọi là Lễ Ban sóc. Sau đó triều đình ấn định ngày nghỉ Tết và trang hoàng hoàng cung, không khí Tết rộn ràng bắt đầu từ đây. Nếu trong dân gian có tục thỉnh gia tiên về "ăn Tết", thì trong hoàng cung cũng có lễ thỉnh các vị tiên đế (các vua đời trước của triều Nguyễn) về "ăn Tết" với triều đình, gọi là Lễ Hợp hưởng, lễ này thường được cử hành vào ngày 22 tháng Chạp…

Những dòng thuyết minh cùng với các hình ảnh, thư tịch… được trưng bày tại triển lãm “Cung đình đón Tết” - đang diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám giúp công chúng có thêm những hiểu biết về phong vị Tết xưa nơi cung đình triều Nguyễn. Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng hơn 80 tài liệu tiêu biểu về Tết Nguyên đán trong cung đình, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.

Với ba chủ đề chính gồm: “Lễ nghi chuẩn bị đón Tết long trọng”, “Tất niên-tiễn năm cũ, đón năm mới”, “Đầu năm đón phúc, tiết xuân ban lộc và đề cao chữ hiếu”, triển lãm đã tái hiện một phần bức tranh Tết cung đình triều Nguyễn xưa, từ việc chuẩn bị, đến những nghi lễ quan trọng diễn ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Thông qua các tài liệu, hình ảnh trưng bày tại triển lãm giúp công chúng có thêm hiểu biết về một số nghi lễ quan trọng của Tết cung đình xưa như Lễ Phong ấn - biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính để chuẩn bị đón Tết. Trước khi cho ấn vào hòm niêm phong, các kim sách, kim bảo (sách vàng, ấn vàng) được lau chùi cẩn thận, nên lễ này còn được gọi là Lễ Phất thức, thường được cử hành vào ngày 25 tháng Chạp. Rồi Lễ Nghênh xuân, Tiến xuân thường được tổ chức vào tiết Lập xuân (phần lớn vào cuối tháng Chạp) với ý nghĩa đón xuân để dẫn hoà khí, cũng là thể hiện tinh thần trọng nông, ước vọng thời tiết thuận hoà, mùa màng thuận lợi…

Các tài liệu, hình ảnh và thư tịch cũng giới thiệu với công chúng về Lễ Tuế trừ, Lễ Trừ tịch, Lễ Thượng tiêu – những nghi lễ thiêng liêng thực hiện trong ngày 30 Tết với ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm cũ, nghênh đón điều tốt đẹp của năm mới trong hoàng cung. Trong đó, Lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu) là một trong những nghi thức đặc biệt đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ với năm mới. Khi cây nêu ở điện Thái Hoà được dựng lên, là báo hiệu một năm mới đã cận kề.

Triển lãm cũng giúp công chúng hiểu được, vua, quan trong triều đình nhà Nguyễn xưa cũng tổ chức các nghi lễ đón phúc, ban lộc và đề cao chữ hiếu, thông qua các tài liệu, hình ảnh về lễ chúc mừng trong Tết Nguyên đán. Theo đó, trong ngày đầu năm mới, nhà vua đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng. Làm lễ xong, vua ngự ở điện Thái Hòa, bách quan dâng biểu mừng. Sau lễ mừng Tết, nhà vua ban yến, thưởng Tết cho các hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân…

Có thể nói, các tài liệu, hình ảnh, thư tịch trưng bày trong triển lãm đã đưa du khách ngược dòng quá khứ, trở về hoàng cung triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam để khám phá những lễ tiết quan trọng bậc nhất với hàng loạt các nghi thức đón Tết Nguyên đán trong cung đình xưa. Thông qua đó, triển lãm tái hiện một phần bức tranh Tết cung đình triều Nguyễn xưa; giúp công chúng thấy được rằng dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên đán được coi là một trong những lễ tiết lớn nhất trong năm. Tuy các nghi lễ đón Tết ở cung đình diễn ra long trọng hơn trong dân gian, nhưng trong từng nghi lễ, trong tâm thức đề cao chữ hiếu, thông qua việc tạm ngưng công việc để vui xuân đón Tết... Qua đó, công chúng sẽ thấy được là Tết cung đình cũng có những điểm gần gũi với Tết dân gian, hòa trong nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khám phá phong vị Tết cung đình xưa ảnh 1

Bày tỏ sự thích thú khi tham quan triển lãm trong những ngày đầu Xuân mới, bạn Minh Phương - sinh viên Trường Đại học Văn hoá chia sẻ, tài liệu về Tết cung đình trưng bày trong triển lãm này giúp em hiểu thêm những nghi thức khi đón Tết thời phong kiến để có so sánh với ngày nay; hiểu hơn về văn hoá truyền thống của dân tộc. “Những tài liệu đón Tết ngày xưa không nhiều, nhất là nghi lễ đón Tết ở cung đình, chính vì vậy, khi xem triển lãm này em có thêm hiểu biết rất quan trọng về tục lệ đón của dân tộc", Minh Phương chia sẻ.

Nền tảng văn hoá truyền thống

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đánh giá, việc tổ chức triển lãm “Cung đình đón Tết” với những hình ảnh, tài liệu thư tịch về các nghi lễ cung đình xưa đã cho thấy khá đầy đủ các nghi thức, nghi lễ hoạt động và hình ảnh về Tết xưa. Qua những dòng chữ, bức ảnh, chúng ta đã thấp thoáng thấy được cả tâm trạng, niềm vui, sự thành kính và đặc biệt là thái độ của người xưa với Tết. Chính vì vậy, dù chỉ giới hạn trong khung thời gian triều Nguyễn và nhà Nguyễn thế kỷ XIX, nhưng triển lãm lần này rất có ích cho hiện tại, không chỉ Hà Nội mà cả không gian rộng dài của đất nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng, triển lãm nhỏ gọn nhưng gợi rất nhiều điều có ý nghĩa. Đi thăm triển lãm “Cung đình đón Tết” là cách để chúng ta “du lịch” vào quá khứ, thông qua ngôn ngữ của quá khứ để chúng ta hiểu được quá khứ. Tết Nguyên đán là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tết của Việt Nam gắn liền với văn minh lúa nước, sản xuất nông nghiệp, thời vụ… Con người sống, làm việc và phát triển theo quy luật tuần hoàn, có lúc làm, lúc nghỉ ngơi, khi hưởng thụ, cống hiến, chính vì thế Tết gần như là nhìn lại một chặng đường đã qua để mở ra chặng đường mới… Do đó, ta thấy việc đầu tiên của triều đình là tổ chức Lễ Ban sóc - ban lịch để người dân biết ngày nào thời tiết phù hợp với công việc đồng áng, để chúng ta có được một mùa thu hoạch tốt đẹp, ngày nào tổ chức các lễ Tết để được hưởng thụ giá trị đời sống văn hoá tinh thần…

Khám phá phong vị Tết cung đình xưa ảnh 2

Hay như việc tổ chức Lễ Hợp hưởng cũng cho ta thấy rằng, người Việt Nam luôn nhớ đến quá khứ, tri ân tổ tiên, những người đã sinh thành ra ta. Điều này không chỉ ở trong dân gian mà cả trong triều đình cũng vậy. Nhà vua cũng đi viếng lăng mộ tổ tiên, chúc Tết hoàng mẫu trong ngày đầu năm mới… Đây chính là nền tảng tín ngưỡng tổ tiên trong văn hoá người Việt và triều đình đã làm rất chặt chẽ việc này.

“Trong Lễ Tiến xuân - lễ đón hưởng mùa xuân với hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn là mong muốn không phải của người dân, mà của cả những người đứng đầu quốc gia. Điều đó cho thấy, trong bất kỳ cương vị nào ở xã hội, giá trị tinh thần là quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà trong triều đình bao giờ cũng có Bộ Lễ, là nơi ban hành và giám sát các quy định về nền tảng đạo đức, trật tự tinh thần… để xã hội phát triển an bình, hài hoà, như cách nói hiện nay là phát triển một cách bền vững”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.

“Chúng ta không nên quên rằng cung đình Việt Nam, kể từ các triều đại Lý, Trần, Lê và kể cả triều Nguyễn… đều là rường cột của nền văn hiến quốc gia. Về căn bản, các triều đại phong kiến xưa chính là cốt lõi, nền tảng của văn hoá - xã hội. Chúng ta luôn tự hào Việt Nam có hàng nghìn năm văn hiến cũng chính nhờ công lao gìn giữ và phát huy của nhiều thế hệ, nhiều triều đại và hiện tại người Việt vẫn đang kế thừa, phát huy. Kể cả khi chúng ta vươn tới những giá trị hiện đại, thì những giá trị văn hoá truyền thống cốt lõi này vẫn còn rất có ý nghĩa”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo TTXVN
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.