“Tiên học lễ, hậu học văn” là yếu tố tiên quyết tại bất kỳ môi trường giáo dục nào. Nhưng có lẽ ông Đinh Ngọc Hiện – Hiệu trưởng ĐH Thành Tây lại coi thường điều đó.
Xung quanh thông tin trạm trộn bê tông gây ô nhiễm ở trường Đại học Thành Tây, phóng viên khi liên hệ xác minh lại nhận được những lời lẽ xúc phạm gay gắt, thậm chí đe dọa từ phía ông Đinh Ngọc Hiện - Hiệu trưởng nhà trường.
Nếu nghe qua, không ai nghĩ rằng đó là cuộc phỏng vấn một vị Tiến sỹ đức cao vọng trọng. Bởi nó nghe như lời mắng mỏ, đe dọa của giáo viên với học sinh mắc lỗi như một vài vụ việc gây bức xúc của ngành giáo dục gần đây. Thậm chí còn như câu chửi bới văng mạng của những kẻ thiếu văn hóa dành cho người khác.
“Đừng có láo...”, “Bố mấy thằng ranh con, biến đi, nhá!”,... là những cụm từ không thể “lịch sự hơn” mà ông Hiện dùng để lăng mạ người khác, dù rằng phóng viên chỉ muốn xác minh vấn đề một cách thẳng thắn, rõ ràng. Phóng viên không hề có ý gì mà chỉ… muốn hỏi thầy cho rõ, nhưng cũng không được nói.
Khi đối diện với các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, có người chọn cách lẩn tránh, người lại trực tiếp đương đầu nhưng lăng mạ người khác để che đậy việc làm của mình là hành động tuyệt nhiên không nên sử dụng.
Là một tiến sỹ, lại hoạt động và điều hành một cơ sở giáo dục, đào tạo kiến thức, bồi dưỡng văn hóa cho rất nhiều thế hệ nhưng những gì ông Hiện làm ngày càng chứng tỏ sự thiếu văn hóa của ông. Đã là Tiến sỹ, là người thầy thì lời nói phải chuẩn chỉnh.
Người xưa khuyên “người khôn uốn lưỡi ba lần trước khi nói. Hay vì ông Tiến sĩ Hiện… “quá khôn”!?
Thiết nghĩ, chiến thuật “cả vú lấp miệng em” mà ông lặp đi lặp lại khi đối diện với người khác (đặc biệt là báo chí) dường như chưa phải là giải pháp hoàn hảo.
Đây không phải lần đầu tiên ông có những phát ngôn và hành động thiếu văn hóa. Nhắc đến câu chuyện cổng trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) bị “bịt” bằng 3 tấm bê tông trong một thời gian dài cách đây 10 năm, không ai không ngán ngẩm với “tác giả” của nó.
Mới nhất là sự kiện cách đây 3 tháng, trường Đại học Thành Tây có tổ chức buổi tọa đàm “Văn hóa giao tiếp - ứng xử trong môi trường giáo dục”.
Vậy nên, chúng ta cần thích ứng với những môi trường khác nhau: Trong giáo dục là một chuyện, ngoài xã hội lại là chuyện khác.
Và nếu có một luận án tựa đề: “Văn hóa không tỷ lệ thuận với bằng cấp” thì chắc hẳn vị Tiến sỹ này sẽ là người bảo vệ thành công!?
Linh Đan
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả