Ngày 9/1, trong khi các công nhân đang tiến hành thi công lao dầm cầu bắc qua suối Quanh thuộc địa bàn xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa để thử tải, khi chất tải đạt được khoảng 60% (282 tấn/470 tấn) thì bất ngờ giàn giáo bị sập.
Tai nạn xảy ra đã khiến 4 công nhân bị thiệt mạng gồm Nguyễn Tuấn Vũ sinh năm 1992, thường trú tại Chương Mỹ, Hà Nội; Nguyễn Đình Tùng sinh năm 1992, thường trú tại Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; Bùi Văn Trung sinh năm 1980 và Phan Văn Thịnh sinh năm 1984 cùng ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Vụ án được khởi tố theo Điều 227 Bộ luật Hình sự để điều tra về hành vi “vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” của đơn vị thi công công trình cầu Suối Quanh và những cá nhân liên quan.
Cầu Suối Quanh nơi xảy ra vụ tai nạn khiến 4 công nhân thiệt mạng.
Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn được xác định là do chất lượng hệ đà giáo phục vụ thi công kết cấu nhịp không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã niêm phong thiết bị máy móc, phong tỏa công trường, tạm đình chỉ thi công đối với công trình này để phục vụ công tác điều tra.
Luật sư Lê Văn Thiệp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định: “Việc công an tỉnh Thanh Hóa có quyết định khởi tố vụ án là phù hợp vì vụ việc có dấu hiệu hình sự. Việc khởi tố là cơ sở để cơ quan chức năng điều tra, xác định nguyên nhân từ đó kết luận ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Những người có trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động nhưng có lỗi, vi phạm các quy định về an toàn lao động sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 227 thì trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ bảy đến mười hai năm. Bên cạnh trách nhiệm hình sự còn là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân theo quy định Bộ luật dân sự 2005”.
P.V