Theo Luật, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, là những người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc như: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng...
Ngoài ra, chính khách quốc tế là lãnh đạo các nước đến thăm, làm việc tại Việt Nam; các khu vực trọng yếu cũng thuộc đối tượng cảnh vệ.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, tại các cuộc thảo luận về dự án Luật này, một số ý kiến đề nghị bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh vào đối tượng cần có cảnh vệ.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể. Đồng thời, phải phân biệt rõ giữa hoạt động cảnh vệ với hoạt động bảo vệ để phát huy hiệu quả, phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tăng biên chế và tổ chức.
"Hơn nữa, nếu bổ sung các đối tượng trên thì cũng cần bổ sung các chức vụ tương đương khác. Thực tế cho thấy, quy định về các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật kế thừa pháp lệnh cảnh vệ và thực hiện ổn định phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước", ông Việt nói và cho biết, trong điều kiện thật cần thiết, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ theo quy định.
Luật cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Theo Vnexpress