Tìm hiểu kỹ về mẫu chữ của Bộ GD-ĐT ban hành
Trước hết, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ mẫu chữ của Bộ ban hành, tìm hiểu độ cao, hình dáng của từng chữ cái thông qua những quyển vở tập tô, tập viết của các con. Thông qua bảng mẫu chữ, ta có thể chia thành các nhóm như sau:
- Nhóm chữ cái cao một li gồm a, ă, â, c, e, ê, o, ô, ơ, i, m, n, r, s, u, ư, v, x
- Nhóm chữ cái cao 2 li gồm d, đ, p, q;
- Chỉ có 1 chữ cái cao 1 li rưỡi là t;
- Nhóm chữ cái cao 2 li rưỡi gồm b, g, h, k, l, y;
- Các chữ cái r, s cao hơn 1 li một chút do có nét xoắn ở trên.
Ngoài ra các mẹ cần quan sát kĩ các nét phụ, nét râu của chữ ă, â, i, ơ, ư, ô, ê xem nó nằm ở ô nào vì các con có thể viết nó ở cao hoặc thấp quá.
Lưu ý luyện cho con cách cầm bút đúng ngay từ đầu. Ảnh minh họa. |
Quá trình luyện chữ cần trải qua các giai đoạn như sau:
- Tập tô các nét cơ bản và các chữ cái: Hãy cho con tập tô các nét cơ bản và các chữ cái thường xuyên để hình thành kỹ năng di chuyển đúng theo các nét viết cho các khớp xương tay. Các giáo viên Tiểu học muốn luyện chữ cho mình cũng phải tập tô rất nhiều nếu không học sinh sẽ viết đẹp hơn.
Các mẹ lưu ý luyện cho con cách cầm bút đúng ngay từ đầu tránh để bút nằm quá, bàn tay úp hẳn xuống làm cho nét chữ rất to, nhòe mà tay rất hay mỏi.
- Tập viết từng chữ cái sau khi đã tô đúng và đẹp: Các mẹ cho con tập viết các chữ cái theo nhóm chữ có cấu tạo gần giống nhau.
+ Nhóm 1, chữ có nét cong o, ô, ơ, a, ă, â, d, đ, q, g, c, x, e, ê, s;
+ Nhóm 2, chữ thường được cấu tạo bởi các nét móc i, u, ư, t, n, m, v, r;
+ Nhóm 3, chữ cái thường có nét khuyết l, b, h, k, p, y.
Quan trọng nhất là các mẹ phải cùng con so sánh từng chữ cái con viết với mẫu chữ chuẩn để phát hiện chỗ sai, chỗ xấu (đến từng nét) và sửa lại cho bằng được thì thôi. Để làm được như vậy, bạn luôn cần có mẫu chữ trên bàn học của con để so sánh.
- Luyện viết các vần, các chữ, các từ, cụm từ có chứa các chữ cái vừa luyện: Ví dụ khi luyện nhóm chữ 1 thì các mẹ cho con viết "bò, ao, do, gà..., con gà, con bò, cái ao,...". Hai mẹ con luôn thực hiện công việc so sánh để tìm lỗi sai, từng chỗ nối ở từng chữ cái.
- Luyện viết câu và đoạn: Sau khi con đã luyện viết đúng đẹp các chữ cái, từ thì các mẹ cho con viết câu, đoạn lấy ngay trong sách Tiếng Việt của con. Hãy nhớ luôn có bước nhận xét, tìm lỗi và sửa lỗi các mẹ nhé!
Lưu ý: Không phải với trẻ nào các mẹ cũng cho con luyện đầy đủ các bước đâu nhé. Các mẹ cần nắm rõ con mình đang viết ở mức nào để xác định con phải luyện từ bước nào. Có những con không cần phải tô lại mà có thể viết các chữ cái luôn.
Xem thêm:
- Con vào lớp 1: Cha mẹ nên và không nên làm gì?
- 10 kỹ năng trẻ cần có trước khi vào lớp 1
Tuấn Minh (t/h)