Hạn chế nguyện vọng có thiệt thòi?
Một trong những điều chỉnh đáng chú ý về tuyển sinh ĐH-CĐ 2016 là hạn chế nguyện vọng trong các đợt xét tuyển. Để tránh tình trạng lộn xộn trong xét tuyển, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến thí sinh sẽ có 2 hình thức đăng ký xét tuyển là nộp phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến.
Ảnh minh họa.
Cụ thể:
- Đăng kí xét tuyển đợt I: Thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào 02 trường, mỗi trường không quá 02 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển.
- Đăng kí xét tuyển các đợt bổ sung: Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 03 trường, mỗi trường không quá 02 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.
Với việc này sẽ tránh tình trạng “vỡ trận” vào những ngày cuối và chọn ngành nghề theo cảm tính hay cố thi đỗ nhưng không vào ngành mình thích.
Tuy nhiên, nhiều học sinh cho biết, việc này hạn chế rất nhiều cơ hội cho các em. Sau khi nộp hồ sơ xét tuyển thì chỉ có thể chờ đợi trường công bố điểm. Sẽ thật buồn nếu thấy điểm của mình trượt trường này lại trúng ở trường khác mà không thể làm được gì.
Các thầy cô giáo cũng lo lắng, việc “vỡ trận” vẫn có thể xảy ra, nên Bộ GD-ĐT cần có giải pháp buộc các trường, địa phương cam kết việc đảm bảo công nghệ thông tin phục vụ TS, tránh tình trạng nghẽn mạng.
“Rối như tơ vò”
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức hai loại hình cụm thi để xét tốt nghiệp và “tùy tình hình cụ thể của địa phương” để có thể chọn hình thức tổ chức cụm thi phù hợp. Giải pháp này sẽ hạn chế tình trạng thí sinh phải di chuyển quãng đường dài ra các thành phố lớn để dự thi
Tuy nhiên, việc vẫn giữ lại hai hình thức cụm thi như năm trước khiến những lo ngại về tình trạng rối, không công bằng giữa các cụm thi chưa thể xóa bỏ.
Khi được hỏi về điều chỉnh này, GS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói với Dân Việt, việc đặt ra hai cụm thi như điều chỉnh vừa qua không có ý nghĩa gì cả. GS cho rằng, mỗi tỉnh chỉ cần một cụm thi, không cần phân biệt do trường hay do Sở GD-ĐT tổ chức.
A.M