Tại nhiều cụm thi, điểm thi năm nay thiếu vắng điểm 10, mức phổ biến vẫn là mức điểm trung bình khá (5 - 7 điểm).
Vắng bóng điểm 10 môn Toán
Khác với kỳ thi năm 2017 được đánh giá là “mưa” điểm 10 (với hàng nghìn điểm 10 ở các môn thi), năm nay kết quả chấm thi tại nhiều tỉnh thành cho thấy kỳ thi THPT Quốc gia 2018 điểm 10 trở nên kham hiếm, nhất là ở hai môn Ngữ văn và Toán. Đây cũng là hai môn được nhiều chuyên gia, giáo viên đánh giá đề ra khó hơn so với năm 2017. Đáng chú ý, quá trình chấm thi tại nhiều Hội đồng cũng cho thấy xuất hiện những bài thi bị điểm “liệt” (dưới 1,0 điểm), nhưng số lượng cũng rất ít so với các năm trước.
Theo thông tin từ báo Điện tử Gia đình và Xã hội cho biết, tại PHCM, trong khoảng 78.000 thí sinh dự thi môn Toán có hơn 63% thí sinh đạt điểm trên trung bình (từ 5,0 điểm trở lên), khoảng 1.000 bài thi đạt từ điểm 8 trở lên. Đã có thí sinh đạt điểm 10 môn Toán. Đối với môn Ngoại ngữ, có 43,57% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, 6,96% thí sinh đạt điểm giỏi và chỉ có 20 thí sinh đạt điểm 10. Đối với môn Ngữ văn, số lượng thí sinh dự thi cũng tương đương như môn Toán. Tuy nhiên, điểm thi môn Ngữ văn cũng rất ít điểm 9 (khoảng vài chục thí sinh), chưa có thí sinh điểm 10.
Còn tại Phú Thọ, tính đến chiều 9/7, tỉnh đã hoàn tất việc chấm thi THPT Quốc gia năm 2018. Ở môn Toán, theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cũng đã có bài thi đạt điểm 10 và có trên 20 thí sinh có điểm Toán từ 9 trở lên. Môn Giáo dục công dân có tới 17 bài thi đạt 10 điểm. Điểm 10 cũng có xuất hiện ở các môn khác nhưng rất ít. Cụ thể: Môn Ngoại ngữ (4 bài thi), môn Địa lý (6 bài thi) và môn Hóa học là 1 bài. Ở môn Ngữ văn, bài thi có điểm cao nhất là 9,75. Số bài thi đạt điểm dưới trung bình khoảng 25%. Phổ điểm chủ yếu dao động từ 5 đến 8 điểm. Có 5 thí sinh bị điểm liệt.
Ban Chấm thi Kỳ thi THPT Quốc gia tại Nam Định cũng cho biết, địa phương đã hoàn tất việc chấm thi và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT từ cuối tuần qua. Năm nay, Nam Định đã huy động 108 giám khảo trực tiếp chấm trên 19.000 bài thi Ngữ văn. Các giám khảo được chia làm 3 tổ, ngoài giám khảo trực tiếp chấm, mỗi tổ có 1 tổ trưởng, 2 tổ phó cùng thư ký. Các tổ thực hiện chấm chéo nhằm đảm bảo giáo viên không chấm vào bài học sinh của mình. Theo thống kê sơ bộ, đã có nhiều bài thi môn Văn có điểm từ 9 trở lên, số bài đạt trên trung bình đạt 88,1%.
Ít bài đạt điểm cao trong các môn thi
Theo thống kê ban đầu, số bài thi đạt điểm 9, 10 xuất hiện ở nhiều môn thi nhưng số này khá ít, phổ điểm năm nay nằm ở dải trung bình.
Trao đổi với báo Việt Nam Mới, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai Huỳnh Lệ Giang cho biết tỉnh này có 5 bài thi đạt điểm 10, trong đó ngoại ngữ 2 bài, giáo dục công dân 3 bài. Có 107 bài thi đạt cao hơn hoặc bằng 9,5 điểm, từ 9 đến dưới 9,5 điểm có 667 bài và 5.145 bài thi đạt điểm thi cao hơn hoặc bằng 8 điểm.
Theo thống kê, môn ngữ văn có 25,79% số bài thi đạt cao hơn hoặc bằng 5 điểm, lịch sử 12,76%, địa lý 67,25%, giáo dục công dân 97,11%, toán 54,25%, vật lý 56,43%, hóa học 49,84% và sinh học 33,66%.
Tại Vĩnh Phúc, số lượng điểm trung bình trở lên tính ở tất cả các môn trên 55%, phổ điểm tập trung từ 5 đến 7 điểm. Tỉnh này cũng có điểm 10 ở môn ngoại ngữ và các môn thi của bài thi khoa học xã hội. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết một số môn cũng đã có bài thi bị điểm liệt nhưng không nhiều.
Tại Phú Thọ, các bài thi đạt điểm 10 đã xuất hiện ở nhiều môn, cụ thể môn toán, giáo dục công dân (17 bài), ngoại ngữ (4 bài), địa lý (6 bài), hóa học (1 bài). Ở môn ngữ văn, bài thi có điểm cao nhất là 9,75. Số bài thi đạt điểm dưới trung bình khoảng 25%, phổ điểm chủ yếu dao động từ 5-8 điểm.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay cả nước có hơn 925.000 thí sinh, tăng gần 60.000 so với năm trước. Tổng số thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là hơn 879.000 thí sinh, số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ hơn 688.000 thí sinh (chiếm 74,3%, xấp xỉ tỉ lệ năm 2017).
Tuy nhiên, cũng có hơn 237.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi bốn bài, trong đó ba bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong hai bài thi tổ hợp.
Tổng hợp