Nhiều vấn đề giáo dục đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là đổi mới thi cử, đã được đề cập tại cuộc họp báo định kỳ quý III năm 2015 ngày 20/10 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (trái) và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại buổi họp báo - Ảnh: Tuổi trẻ |
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Năm tới vẫn sẽ tiếp tục mô hình thi như năm nay, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế những bất cập như đã xảy ra như nghẽn mạng, việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh… Những trục trặc như vừa qua được đánh giá là rất nhỏ và đã có hướng giải quyết kịp thời.
Theo ông Trinh, so với chi phí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi đại học, cao đẳng trong mỗi năm trước đây, chi phí cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 giảm nhiều. Cụ thể, từ 4 đợt thi (năm 2014 trở về trước) nay chỉ còn 1, thời gian thi trước đây tối đa 9 ngày, nay tối đa 4 ngày. Thí sinh được thi tại tỉnh hoặc tỉnh lân cận nên giảm tốn kém.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhận định, áp lực thi cử đã giảm đáng kể. Trước đây, thí sinh phải thi từ 7 đến 13 lượt môn, nay chỉ còn 4 đến 8 môn. Thực tế, thí sinh đăng ký phổ biến nhất 4 hoặc 5 môn thi. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nhận định, kỳ thi THPT quốc gia còn một số tồn tại trong công tác tổ chức xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, có thí sinh nhập học cả tháng mới được thông báo không trúng tuyển. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền vụ trưởng Vụ đại học cho biết: "Nguyên nhân là công tác hậu kiểm tại các trường chậm".
Ông Mai Văn Trinh trả lời báo chí. Ảnh: Infonet |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm tới Bộ sẽ có những thay đổi, đó là: Bộ dự kiến sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh theo hướng vừa tăng quyền tự chủ cho các trường, vừa cố gắng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Theo đó, đến mùa tuyển sinh năm 2016, thí sinh có thể tùy chọn số trường, số nguyện vọng xét tuyển tương tự như cách tuyển sinh của nhiều nước phát triển.
Ở kỳ tuyển sinh 2015, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi chỉ được gửi vào một trường (nhất là đợt 1 chỉ có một giấy chứng nhận kết quả thi), khiến trong đợt xét tuyển đầu tiên này, thí sinh luôn chỉ được đăng ký vào một trường (dù sau đó có thể thay đổi nguyện vọng rút ra, nộp vào).
Nhà trường giảm ảo hoàn toàn, nhưng quyền lợi của thí sinh không đảm bảo. Vì vậy, phương án tuyển sinh 2016 sẽ vừa tăng quyền tự chủ cho nhà trường, vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh - được nộp hồ sơ vào tất cả các trường mà mức điểm đạt được phù hợp với điều kiện xét tuyển của nhà trường.
Tuy nhiên, ông Ga thừa nhận phương án này tất yếu sẽ dẫn đến tỉ lệ ảo lớn hơn nhiều so với các năm. Vì thế, bộ sẽ cùng các trường bàn giải pháp kỹ thuật để có thể “sống chung” với tỉ lệ ảo, khi không còn giới hạn số nguyện vọng.
Bên cạnh đó, chia ra các đợt xét tuyển khác nhau; khuyến khích các trường tốp trên liên kết với nhau để xét tuyển, việc rút – nộp hồ sơ và trúng tuyển chỉ trong phạm vi các trường này.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, hiện nay các trường ĐH, CĐ đã tuyển được 85% chỉ tiêu, trong đó ĐH khoảng 97%, các trường CĐ tuyển sinh được hơn 60% và sẽ phải tuyển tiếp đợt 4. Việc nhiều trường khó tuyển sinh cho thấy thí sinh đã có quyền lựa chọn trường, ngành nghề yêu thích. Những trường có sức hút thí sinh đã được thể hiện rõ. Những trường khó tuyển sinh thường ở những vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tuyển lao động cũng không yêu cầu qua đào tạo nhiều hơn. Thị trường lao động hiện nay rất lớn, do đó thí sinh có quyền lựa chọn học hoặc đi làm. Thời gian tới, Bộ sẽ bàn bạc việc cấu trúc lại các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Xem thêm:
- Hướng dẫn sử dụng SGK Lịch sử mới có điều gì thú vị?
- Học gần 1 tháng bỗng nhận được thông báo "trượt": Gia đình thí sinh lên tiếng
Tuấn Minh (t/h)