Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là cuốn sách của Xuân Tùng với bút danh Trung Sỹ về Hà Nội thời bao cấp, do Công ty Sống (thuộc Alphabook) và NXB Lao Động vừa xuất bản.
Trong cuốn sách, người đọc được gặp lại cả những xáo xác trong chiến tranh và những ngột ngạt kinh tế của thời bình. Những không gian sống, thói quen của thời kỳ đó được tác giả Trung Sỹ kể lại rất chi tiết.
Bằng giọng văn chân chất, trào phúng của mình, tác giả gom góp lại ký ức của một cậu bé Hà Nội cũ, viết lại những khó khăn, gian khổ của ngày đi sơ tán, niềm hạnh phúc với chiếc mũ rơm, nỗi khó hiểu cho những chiếc tem phiếu và những người lạ đến ở nhà mình. Thành phố từng vất vả, ngây thơ và ấu trĩ bởi những sai lầm nhưng vẫn lấp lánh tình người dù xung quanh còn nhiều nỗi lo toan, hoài nghi, trăn trở về thế sự.
Vì thế, Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu vừa có sự thơ ngây của một cậu bé, vừa có sự từng trải của người đàn ông Hà Nội đã đi chiến tranh biên giới và trở về. Có những niềm vui, tiếng cười rất duyên nhưng cũng có cả những phút giây ngậm ngùi.
"Tất cả những thành phố không riêng gì Hà Nội đều có một tiến trình thay đổi, có những ngày sẽ trôi qua và có những ngày sẽ đến, chúng ta sẽ nhìn thấy sự thay đổi theo thời gian ấy một cách rất bình thường. Những lớp người đi trước như chúng tôi đều không mong muốn lớp trẻ sẽ phải sống lại trong thời thiếu thốn như vậy nữa", tác giả chia sẻ.
Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, Xuân Tùng đã rất ý thức viết những câu chuyện cũ không phải của riêng bản thân mình mà là của cuộc đời mình, gia đình mình, dòng họ nhà mình. Cái quan trọng là nhà văn đã mang toàn bộ cuộc đời của mình như một dòng sông chảy ào ạt bốn bề vào trong tác phẩm.