Triển lãm đầu tay của họa sĩ Nguyễn Việt Phương, sinh năm 1975 tại Nam Định có tên Lạc... Nguyễn Việt Phương theo gia đình từ tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) vào sinh sống tại Vũng Tàu, rồi chuyển lên TP.HCM từ nhỏ. Cha anh là họa sĩ Nguyễn Trọng Tường nhưng ông không khuyến khích con trai mình vẽ tranh chuyên nghiệp, vì ông suy ra từ bản thân nên sợ con trai cũng khổ giống mình. Thế nhưng đam mê vẽ tranh vẫn theo đuổi Nguyễn Việt Phương như một giấc mơ không có hồi kết.
Họa sĩ Nguyễn Việt Phương, tâm sự: “Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nên từ đó trong tôi luôn khao khát được vẽ. Lúc nhỏ vẽ được ở chỗ nào là vẽ ngay lúc đó, cũng không nhận thức được rằng vẽ có đẹp hay không nhưng được vẽ là vui. Có thể vì sự hồn nhiên ấy, tranh của tôi được chọn để in minh họa cho báo Văn Nghệ của tỉnh Hà Nam Ninh khi đó”.
Người đàn ông đi đôi giày đỏ, sơn dầu trên vải bố, 155cmx236cm |
“Cứ tưởng mọi chuyện sẽ tiếp diễn ra như thế: vẽ và được vẽ. Thế nhưng khi chọn nghề bố tôi lại không đồng ý cho tôi theo con đường nghệ thuật giống như ông, vì bố sợ tôi khổ. Con đường mỹ thuật đành gác lại, cả một thời gian dài hai cha con không nói chuyện với nhau. Nhưng có lúc ngồi nghĩ lại cũng có thể là bố đúng, thế là tôi xuôi theo ý bố thi vào ngành Mỹ thuật công nghiệp của ĐH Kiến Trúc TP.HCM. Nhưng bố tôi có nói thêm một câu rằng: Nếu con thích vẽ thì học mỹ thuật ở bất cứ trường nào cũng vẽ được khi con có niềm tin” – Nguyễn Việt Phương, cho hay.
Học Mỹ thuật công nghiệp xong ra trường rồi cuốn theo cuộc sống cơm áo gạo tiền… tưởng rằng giấc mơ được vẽ tranh của Nguyễn Việt Phương cũng lụi tàn. Nhưng một ngày nọ, Nguyễn Việt Phương chợt nhận ra rằng mình vẫn còn đam mê thôi thúc, và nó thường về trong những giấc mơ hay những cơn say bất chợt . Và thế là anh biết mình cần phải cầm lấy cây cọ cần mẫn trong 6 tháng liên tục vẽ lại giấc mơ từ thiếu thời của mình cho triển lãm lần này.
Tết trung thu, sơn dầu trên vải bố, 155cmx236cm |
Nhận xét về Lạc… của Nguyễn Việt Phương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, cho rằng: “Vì có quá nhiều năm làm thiết kế, nên khi quay trở lại với tranh, dù chọn bút pháp tân biểu hiện (neo-expressionism), đáng lý cần nhiều buông thả, thì Nguyễn Việt Phương vẫn gìn giữ sự cân phân, tính toán trong các bố cục. Không gì là không thể trong sáng tạo, chính vì vậy mà sự tính toán này đã làm cho các bức tranh của anh có vài nét khác dòng tân biểu hiện thường thấy”.
Theo Lý Đợi: “Nguyễn Việt Phương có lấy một chút cảm hứng từ tranh của Jean-Michel Basquiat (1960 - 1988), nhưng không chỉ dừng lại ở việc pha trộn hội họa với đồ họa, trừu tượng với biểu hiện, giá vẽ với tranh tường, mà anh còn tìm về tinh thần biểu tượng (symbolism) - ví dụ con cá - để vẽ nên, đúng hơn là để tìm kiếm bản thể bị thất lạc của chính mình. Bộ tranh này, thể hiện trong nhiều diện mạo khác nhau, nhưng thực chất là những tự họa, theo nghĩa ai đang đi tìm lại chính mình, hoặc đang muốn trở lại với những thứ vốn thuộc của mình, thì sẽ nhìn thấy mình trong bộ tranh”.
Giấc mơ có thật, sơn dầu trên vải bố, 69cmx89cm |
“Một chút xíu về vật liệu, chính các thỏi sơn dầu (oil stick) đã giúp ích đáng kể trong việc thể hiện các dây màu, không để cho cảm xúc bị đứt đoạn. Nó không chỉ mang đến cho họa sĩ sự thoải mái khi muốn kéo dài nhát cọ, mà còn tạo hiệu quả về thị giác cho người xem. Cả họa sĩ và người xem như đang hòa nhập một cung đường tâm lý, cùng tìm kiếm bản thể của mình. Mấy chục năm không vẽ tranh mà trở lại khá ngon trớn và khá tự do như loạt tranh này, có thể thấy Nguyễn Việt Phương đã tìm ra được lối để trở về với chính mình. Đường sẽ còn rộng mở hơn trong các năm tới” – nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi bày tỏ sự kỳ vọng về họa sĩ Nguyễn Việt Phương.
Nữ hoàng Victory, sơn dầu trên vải bố, 155cmx236cm |
Triển lãm Lạc… trưng bày 13 họa phẩm khổ lớn, có những tác phẩm không đóng khung như những giấc mơ với sắc màu tràn ra ngoài khuôn khổ của bức tranh hòa vào nhãn quan của người thưởng lãm. Lạc… diễn ra từ ngày 16 – 22/12, tại lầu 3, số 98 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM