Ông Tú cho biết, sân bay có ba hệ thống thoát nước chính, trong đó tuyến mương A41 dài gần 2km từ đường Hậu Giang đến đường Cộng Hòa có nhiệm vụ tiêu thoát hơn 50% lượng nước từ sân bay ra ngoài. Trước đây, mương này rộng 6 - 8m nhưng sau nhiều năm, tuyến mương bị người dân lấn chiếm, xả rác làm dòng chảy bị thu hẹp, tắc nghẽn. Ngoài các giải pháp TPHCM đã và đang triển khai, ông Tú cho rằng, cần xây dựng hồ điều tiết và lắp đặt máy bơm công suất lớn để chống ngập nước khi xảy ra mưa lớn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập, sân đỗ máy bay nhiều lần bị ngập cục bộ do mưa lớn. Đơn cử như trận mưa lớn kỷ lục vào chiều 26/8 đã gây ngập 4 vị trí sân đỗ máy bay. Để chống ngập khu vực sân bay, ngoài nạo vét cả ba tuyến mương, trước mắt TPHCM cần xây hồ điều tiết để thu gom nước trong sân bay khi có mưa lớn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa thống nhất phương án xây dựng hồ điều tiết chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực Tân Bình.
Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng yêu cầu thành lập tổ liên ngành kiểm tra các khu vực thường xuyên bị ngập để xử lý trước khi mưa. Xây dựng kế hoạch điều hành tổng thể chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực xung quanh, như phân cấp, phân quyền, đầu tư hạ tầng, khẩn trương thực hiện các giải pháp chống ngập như nạo vét kênh mương, giải toả phần diện tích bị lấn chiếm để tăng khả năng thoát nước. Việc xây hồ điều tiết cần làm ngay và tính toán hợp lý diện tích đất sử dụng, kế hoạch khai thác nhằm đảm bảo sử dụng lâu dài.
“Đây là sân bay quốc tế lớn nhất cả nước không chỉ phục vụ hành khách mà gắn với quốc phòng, an ninh, được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo hết sức quyết liệt. Nguyên nhân gây ngập thì nhiều nhưng phối hợp giải quyết ngập giữa các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, chưa thực hiện hết chức năng nên hiệu quả chưa như mong muốn và cứ mặc định việc ngập là của đơn vị chống ngập, cứ thế đổ lỗi cho nhau. Việc chống ngập là của tất cả các đơn vị chứ không riêng một đơn vị nào”, ông Thăng nhấn mạnh.