Phiên thảo luận do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an và là hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nội dung của phiên thảo luận là hợp tác Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực trong xây dựng lòng tin và đối thoại nhằm ngăn ngừa, giải quyết xung đột…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết, Việt Nam chủ trì xây dựng và tích cực tham vấn để thông qua Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an.
Tuyên bố sẽ có các nội dung quan trọng, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giữa Liên Hợp Quốc/ Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc;
Khẳng định các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại những thành tố thiết yếu góp phần ngăn ngừa, giải quyết xung đột; ghi nhận, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực và các bên liên quan trong thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, đối thoại trong khu vực của mình, vì lợi ích chung của hòa bình, ổn định, hữu nghị hợp tác, phát triển bền vững trên thế giới.
Tuyên bố có nội dung kêu gọi các nỗ lực tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc/ Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực cũng như giữa các tổ chức khu vực với nhau trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột hướng tới xây dựng nền hòa bình bền vững; khuyến khích Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột, tái thiết hậu xung đột, duy trì hòa bình…
Có thể nói, "Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột" là chủ đề quan trọng, bao trùm nhất của Hội đồng Bảo an với vai trò là cơ quan chủ chốt của Liên Hợp Quốc trong việc ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hòa bình, ổn định là xu thế lớn song xung đột, cạnh tranh vẫn diễn ra gay gắt ở một số nơi.
Là thành viên của nhiều cơ chế khu vực quan trọng, nhất là ASEAN, Việt Nam mong muốn các tổ chức khu vực phát huy hơn nữa vai trò của mình, tăng cường hình ảnh và chia sẻ trách nhiệm với Liên Hợp Quốc trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột ở khu vực, vì sự ổn định và phồn vinh của khu vực và thế giới.
Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, ngay từ khi xây dựng các chủ đề ưu tiên cho nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021, Việt Nam đã xác định thúc đẩy vai trò của các tổ chức khu vực trong hợp tác với Hội đồng Bảo an nói riêng và với Liên Hợp Quốc nói chung.
Đây cũng là sự kế thừa và tiếp nối những thành quả đạt được trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và sáng kiến của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần thứ nhất (tháng 1/2020) khi tổ chức phiên họp lần đầu tiên của Hội đồng Bảo an với chủ đề "Hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và ASEAN".
Phiên thảo luận cấp cao trực tuyến với chủ đề "Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột" sẽ nâng tầm các sáng kiến của Việt Nam, không chỉ với riêng ASEAN mà còn đóng góp vào duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, mà cụ thể là trong việc thúc đẩy các biện pháp về xây dựng lòng tin, đối thoại để phòng ngừa, giải quyết xung đột. Thông qua sự kiện này, Việt Nam muốn khẳng định cam kết, nỗ lực của mình trong giải quyết các thách thức toàn cầu đang đặt ra với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận chính là sự khẳng định ở cấp cao nhất về chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.