Xuôi theo quốc lộ 21B từ trung tâm Hà Nội, có một con đường làng quanh co dẫn lối về làng Chuông - nơi mái ngói đỏ nép mình dưới tán cau xanh, ngõ gạch rêu phong phủ màu thời gian.
Trong nắng trưa đầu hạ, nổi bật giữa không gian yên bình ấy là tiếng kéo lách cách, lá cọ sột soạt, tiếng cười lao xao vang lên từ những đôi tay đang miệt mài bên vành nón… Men theo ký ức làng nghề
![]() |
“Muốn ăn cơm trắng, cá trê
Muốn đội nón lá thì về làng Chuông”
Theo các bô lão trong làng, từ thế kỷ thứ 8, làng Chuông đã bắt đầu sản xuất nón lá. Thời đó, làng có tên Trang Thì Trung, nổi tiếng với nghề làm nón cho các tầng lớp xã hội khác nhau, từ nón ba tầm dành cho các thiếu nữ, nón nhô, nón long, nón dấu đến nón chóp cho các chàng trai và những quý ông.
Theo thời gian, nghề nón ở làng Chuông ngày càng phát triển, trở thành một trong những cái nôi sản xuất nón lá nức tiếng nhất Thủ đô.
Theo ông Phạm Việt Hùng - Chủ tịch UBND xã Phương Trung, địa bàn hiện có khoảng 2.500 hộ làm nón, sản lượng ước đạt 4 triệu chiếc/năm, chiếm 10% thu nhập người dân. “Ở làng Chuông, dù già hay trẻ, hầu như không ai thất nghiệp, bởi ai cũng có nghề nón "cứu cánh”", ông Hùng chia sẻ.
Tại đây, từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai cũng góp sức vào nghề. Cảnh các cụ 70 - 80 tuổi tóc bạc giẽ từng tàu lá, những người trung niên thoăn thoắt đan vành, còn lớp trẻ thì tỉ mẩn phụ giúp từng khâu nhỏ, không hề hiếm thấy. Cứ như thế, mỗi chiếc nón là thành quả từ bàn tay góp sức của nhiều thế hệ.
![]() |
Nơi đây, nghề nón hiện hữu trong từng nhịp sống, ở mọi lứa tuổi. (Ảnh: Mai Chi) |
Bà Nguyễn Thị Thanh, 70 tuổi, là một trong những người cao tuổi nhất làng vẫn gắn bó với nghề. Dù đôi mắt đã mờ nhòe theo năm tháng, nhưng chỉ cần nhắc về nón lá, ánh mắt bà lại lấp lánh niềm tự hào khó tả.
“Chiếc nón là một phần không thể tách rời với người dân nơi đây. Ngày bé, chúng tôi khâu nón để phụ giúp cha mẹ. Trưởng thành, chúng tôi khâu nón vì kế sinh nhai. Bây giờ, chúng tôi khâu nón vì yêu, một tình yêu lớn lên từ lúc nào không hay… Với chúng tôi, ngơi tay thắt nón là cứ thấy thiếu thiếu, mất vui”, bà Thanh dịu dàng kể.
![]() |
Mặc dù nhiều vùng quê ở Việt Nam cũng có nghề làm nón, nón lá làng Chuông vẫn có những đặc trưng riêng biệt. Với thân nón cứng cáp, chiếc nón không chỉ che mưa, che nắng mà còn tạo cảm giác thoáng mát, dễ chịu cho người đội.
Người dân nơi đây luôn coi sản xuất nón lá là một nghề truyền thống, không phục vụ riêng chỉ mục đích kinh doanh nên không ai giấu nghiệp. Theo bà Thanh, nguyên liệu chính để làm nên chiếc nón là lá cọ tươi nhập từ một số tỉnh miền Trung, còn chỉ và khung nón đan bằng nan tre sẵn có ở địa phương.
Những chiếc lá “tuyển” thường là những tàu non, mềm, không dập rách hay sâu bệnh. Khi về đến làng, lá được phơi qua ba lượt nắng, một lượt sương để đạt độ dẻo cần thiết, đồng thời giữ được sắc xanh nhạt đặc trưng.
![]() |
Lá lụi phủ trắng con đê sông Đáy tại làng Chuông. (Ảnh: Mai Chi) |
Sau công đoạn làm khô, lá được giẽ bỏ phần gân cứng, chỉ giữ lại phiến lá mềm. Tiếp đó, người thợ ủi thẳng lá bằng thanh sắt nung nóng khoảng 90 độ C. Nghệ nhân phải kiểm soát nhiệt độ sao cho vừa đủ - lửa quá lớn sẽ khiến lá giòn, dễ gãy, mà lửa chưa tới thì lá lại không đủ độ mịn. Những tàu không đạt yêu cầu sẽ được loại ra, đảm bảo từng chiếc nón giữ được chất lượng theo tiêu chuẩn của làng nghề. Khung nón - linh hồn của nón lá - được tạo từ 16 vòng tre mỏng, vót nhẵn và uốn theo hình tròn đồng tâm. Các vòng này được sắp xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, tạo thành hình chóp nhẹ nhàng, thanh thoát. Khi khung hoàn thiện, người thợ bắt đầu ráp lá. Những mũi kim đều đặn cố định từng tàu lên khung: một lớp lá phía trong giúp tạo nền; tiếp theo là lớp mo để tăng độ cứng; cuối cùng là lớp lá ngoài, được xử lý tỉ mỉ nhất, phủ kín bề mặt. Cái tài của người thợ làng Chuông là các mối kết nối dây đan đều giấu kín bằng từng đường chỉ tinh tế.
Khi chiếc nón được khâu xong xuôi, chúng được hơ qua hơi diêm để làm sáng màu và hạn chế ẩm mốc. Cuối cùng, nghệ nhân thực hiện bước quang dầu nhằm tạo độ bóng và giúp nón đều màu hơn.
Bà Thanh tỉ mỉ tái hiện từng công đoạn làm nón truyền thống của người dân làng Chuông.
Từng đường kim mũi chỉ được thực hiện bằng sự chỉn chu và am hiểu nghề, khiến chiếc nón không chỉ đơn thuần là vật dụng che nắng, mà còn trở thành một tác phẩm lưu giữ nét văn hóa mộc mạc. Chính sự kỹ lưỡng trong mỗi công đoạn đã làm nên vẻ riêng cho nón Chuông giữa nhiều dòng nón trên cả nước.
![]() |
Giữ được hồn cốt truyền thống là thế, nhưng nón Chuông không dừng lại ở nét xưa. Nghệ nhân Tạ Thu Hương - người đầu tiên đưa nón Chuông ra quốc tế, là một trong những người góp công lớn trong việc “thổi hồn” mới vào chất liệu cũ.
Sử dụng lá bồ đề và lá sen thay cho những chiếc lá cọ đã đôi phần quen thuộc, bà Hương tỉ mẩn tạo nên những sản phẩm mới. Theo bà, nón lá sen, nón lá bồ đề cuốn hút bởi chất liệu lạ mắt và vẻ đẹp thanh thuần, tự nhiên. Chiếc lá giữ nguyên được những đường gân, thớ lá, nhưng lại được khéo léo phủ lên khung, tạo thành một chiếc nón hoàn hảo. Dù là nón chóp thông thường hay nón ba tầm, chiếc nón lá sen luôn nhận được sự yêu mến của nhiều người. Bà nói: “Lá sen có cấu tạo khác biệt hoàn toàn so với lá nón truyền thống. Vì vậy, việc xử lý nguyên liệu phức tạp, kỳ công hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi nhìn thấy thành quả, tôi cảm thấy vô cùng hài lòng”.
![]() |
Với bà Hương, mỗi thiết kế mới là một hành trình thử nghiệm tỉ mỉ - từ lên ý tưởng, đặt khuôn riêng đến khâu hoàn thiện sản phẩm. Không ít lần phải bỏ dở giữa chừng, nhưng chính sự bền bỉ ấy đã giúp bà định hình nên nhiều dáng nón mới như nón bộ, nón chùm, nón xòe… Đồng thời, bà cũng mạnh dạn thử sức với nhiều chất liệu khác nhau nhằm tìm hướng đi phù hợp với thị hiếu thị trường.
Ngoài nón lá sen, nón lá bồ đề, một trong những mẫu nón bà Hương tâm đắc là nón lụa. “Tôi chọn lụa từ làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Sau đó, tôi phải xử lý khá kỹ, qua nhiều công đoạn để lụa dai và bền màu. Phần khung và ruột nón tôi vẫn làm theo cách truyền thống. Nhưng lớp ngoài là vải lụa, phải được căng hết sức khéo léo để đảm bảo tính thẩm mỹ cho nón”, bà Hương cho biết.
Với chất liệu mềm, dễ co giãn và phồng rộp, việc phủ lụa đòi hỏi đôi tay cẩn thận và kỹ thuật tinh tế trong từng mũi khâu. Khi chiếc nón hoàn thiện, vẻ óng ả của tơ lụa kết hợp cùng ánh sáng khiến sản phẩm trở nên nổi bật, thanh thoát. Đặc biệt, khi đi cùng áo dài, nón lụa càng tôn thêm nét trang nhã, tạo ấn tượng riêng cho người đội.
Bên cạnh đó, không chỉ mang lại sự mới mẻ về thẩm mỹ, chất liệu lụa còn giúp việc đóng gói và di chuyển thuận tiện hơn so với nón lá truyền thống. Từ đó, những chiếc nón lụa dần trở thành món quà mang đậm dấu ấn văn hóa, theo chân du khách quốc tế đến với nhiều quốc gia. “Tôi rất ấn tượng với chiếc nón lụa. Trông nó thật đẹp khi mang với áo dài. Tôi đã mua vài cái để tặng người thân khi về nước”, chị Liz (26 tuổi) - du khách nước Anh hào hứng chia sẻ.
Đưa chiếc nón sáng tạo ra thị trường, nghệ nhân Tạ Thu Hương không tránh khỏi những thử thách ban đầu. Đặc biệt, 6 mẫu nón sáng tạo của bà Hương gồm: nón quai thao, nón bộ treo trang trí decor, nón lá trên lụa, nón lá bồ đề, nón lá già ghép sống, nón lá trắng kỹ đẹp đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đây không chỉ là minh chứng cho nỗ lực cách tân dựa trên giá trị truyền thống, mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho làng nghề.
![]() |
Bà Tạ Thu Hương (váy xanh, đứng chính giữa) nhận chứng nhận sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2024. (Ảnh: NVCC) |
![]() |
Mẫu mã đa dạng, số lượng đặt hàng lớn, sản xuất quanh năm đã tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động trong làng. Cơ sở sản xuất của bà Hương hiện có 10 lao động thường xuyên. Ngoài ra, các nguyên liệu làm nón như lá, sợi cước, chỉ thêu… đều được thu mua ngay trong làng, góp phần tạo thêm công việc và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân địa phương. “Sáng tạo kiểu nón mới là thêm một đầu việc, thêm một cơ hội cho người làng có thu nhập. Cái được lớn nhất là giữ người ở lại với nghề”, ông Phạm Việt Hùng bày tỏ.
![]() |
Với người làng Chuông, nỗi lo thất truyền không nằm ở chuyện “không ai biết làm” mà là “không ai chọn làm”. Trẻ con trong làng lớn lên với khung tre, sợi cước, lá cói… ai cũng biết thắt nón, nhưng khi lớn lên, không ai chọn theo nghề.
"Gia đình mình ba đời làm nón. Bản thân mình cũng lớn lên từ đồng lương làm nón của mẹ. Nhưng nếu hỏi có chọn ở lại làng Chuông nối nghiệp gia đình hay không, thì câu trả lời là không. Hầu hết các bạn chạc tuổi mình ở làng cũng vậy. Ai cũng đi học đại học và định hướng theo những ngành nghề khác"- bạn Mai Lệ Mỹ, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.
![]() |
Người già vẫn ở lại giữ khung tre, lớp trẻ thì đi tìm những cơ hội mới. Bởi, thu nhập từ nghề làm nón khá “ít ỏi”. Theo ông Phạm Việt Hùng, bình quân một ngày một nghệ nhân làng Chuông làm được nhiều nhất 1,5 chiếc nón, tiền công dao động từ 100 đến 200 nghìn đồng, chỉ “đủ sống” ở mức trung bình. Bên cạnh đó, theo ông, thời nay, những người trẻ đứng trước nhiều cơ hội học tập và làm việc, hiếm ai lựa chọn “nép mình” sau chiếc cổng làng. Trước thực trạng đó, chính quyền xã Phương Trung đang nỗ lực tìm hướng đi mới nhằm giữ chân lao động và khơi dậy sự quan tâm của người trẻ với nghề nón. Việc sáng tạo mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá nhân cho nghệ nhân… được xem là những giải pháp mở đầu cho quá trình phát triển làng nghề trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, đối với ông Hùng, điều quan trọng nhất trong giữ gìn làng nghề đó là nâng cao chất lượng, từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình sản xuất. Có như vậy, nón Chuông mới đủ sức để níu khách tứ phương và khẳng định chỗ đứng giữa muôn vàn sản phẩm nón thủ công khác.
![]() |
Các em học sinh thích thú tham gia vào quá trình làm nón tại làng Chuông. (Ảnh: NVCC) |
Một hướng đi mới đang mở ra nhiều cơ hội cho làng Chuông đó là phát triển làng nghề song song với phát triển du lịch trải nghiệm. Không đơn thuần làm nón để bán, địa phương đã bắt đầu kết hợp giữa sản xuất thủ công và du lịch văn hóa. Khi du khách đến thăm, họ không chỉ mua sản phẩm mà còn được tìm hiểu, trực tiếp trải nghiệm quy trình làm ra chiếc nón làng Chuông.
![]() |
Khách du lịch nước ngoài được trải nghiệm trực tiếp quy trình làm ra chiếc nón làng Chuông. (Ảnh: Thủy Tiên) |
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, làng Chuông đã đón khoảng 40.000 - 50.000 lượt khách. Trong đó, có một đoàn đã đưa tới gần 20.000 người đến tham quan, trải nghiệm. Lượng khách đông đảo không chỉ mang lại sinh khí mới cho làng nghề, mà còn cho thấy tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống.
Nhằm khai thác tiềm năng này một cách bài bản, địa phương dự kiến quy hoạch khu vực rộng khoảng 3.500 - 4.000m² tại chợ Chuông thành tổ hợp giới thiệu, trình diễn và trải nghiệm làng nghề. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và tạo động lực để người dân phát triển nghề một cách bền vững.
Thiết kế: Huyền My, Mai Huyền