Lãnh đạo PVN kêu oan, các bị cáo khác xin giảm án

Qua hai ngày xét xử, chỉ có nguyên tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực kêu oan về tội cố ý làm trái… và nói hành vi của mình trong vụ án rất hạn chế do quy chế phân công, đặc thù của PVN.
Lãnh đạo PVN kêu oan, các bị cáo khác xin giảm án

Sáng 8-5, trong ngày thứ hai xử vụ án xảy ra tại PVN và PVC, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo liên quan đến hành vi tham ô 13 tỉ đồng. Theo bản án sơ thẩm, cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh đề ra chủ trương cùng tổng giám đốc (TGĐ) PVC Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh (cựu phó TGĐ PVC) và Lương Văn Hòa (cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC) lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỉ đồng.

Nhận 20.000 USD vì “cái tình”

HĐXX xét hỏi bị cáo Hòa. Ông Hòa thừa nhận đã lập bốn hạng mục khống, rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó ông Hòa giữ lại cho mình 727 triệu đồng.

HĐXX sau đó hỏi cựu phó TGĐ PVC Nguyễn Anh Minh. Ông Minh nói xin nhận tội thay cho cấp dưới ở Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch. “Việc bị cáo chỉ đạo anh em cấp dưới, bị cáo xin nhận trách nhiệm cho các anh em. Bị cáo thấy hành vi này rất nghiêm trọng” - ông Minh nói tại tòa và giãi bày: “Sau đó một thời gian rất dài trong trại tạm giam, bị cáo thấy rất buồn, rất nặng nề. Bị cáo chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên là anh Thanh, anh Thuận. Hình phạt bản án sơ thẩm dành cho bị cáo quá nặng. Trong tâm bị cáo, bị cáo không muốn làm nặng nề thêm cho các bị cáo là cấp trên”. Trả lời đại diện VKS, ông Minh nói: “Nếu bị cáo không chỉ đạo anh Hòa, bị cáo nghĩ anh Hòa không dám làm”.

Lãnh đạo PVN kêu oan, các bị cáo khác xin giảm án ảnh 1 Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên tổng giám đốc PVN, trả lời trước hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN

Theo bản án sơ thẩm, trong số tiền tham ô 13 tỉ đồng, ông Minh phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng trong đó có khoản 20.000 USD ông nhận “vì cái tình”.

“Bị cáo nghĩ tiền không mua được cái tình nên bị cáo nhận, nhưng bị cáo không phải là người nhận số tiền 20.000 USD. Số tiền này là anh Cường, phó giám đốc ban điều hành, gửi trực tiếp lên cho anh Thuận. Anh Thuận chỉ đạo bị cáo, bị cáo chỉ đạo anh Hòa. Trong thời gian CQĐT làm việc rất gắt gao, anh Cường có lên nói với bị cáo là gia đình đang rất khó khăn, vợ ung thư giai đoạn cuối. Lúc đó bị cáo nghĩ mình đã như thế này rồi, giúp được cái gì thì giúp, đừng thêm ai phạm tội nữa. Bị cáo rất tâm đắc với câu nói đó” - ông Minh khai.

Bị cáo này sau đó xin giảm nhẹ hình phạt và chấp nhận bồi thường hơn 4 tỉ đồng như bản án sơ thẩm tuyên.

HĐXX cũng gọi cựu phó TGĐ phụ trách tài chính kế toán PVN Nguyễn Xuân Sơn và cựu TGĐ Tổng Công ty CP Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) Vũ Huy Quang lên đối chất.

Bị cáo Sơn khẳng định chỉ làm theo nội dung hợp đồng tổng thầu thi công dự án nhà máy với yêu cầu tạm ứng 6% vốn ngay sau khi ký văn bản này. Ông Sơn khai chỉ có chuyên môn kế toán, tài chính nên không biết về điều kiện pháp lý của hợp đồng tổng thầu. Trong khi đó ông Quang tiếp tục giữ lời khai ở cấp sơ thẩm, nói biết hợp đồng 33 không đủ căn cứ, chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký với suy nghĩ sẽ tiếp tục hoàn thiện sau.

Cựu tổng giám đốc PVN kháng cáo kêu oan

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên TGĐ PVN Phùng Đình Thực kháng cáo kêu oan về tội cố ý làm trái… và nói hành vi của mình trong vụ án rất hạn chế do quy chế phân công, đặc thù của PVN. “Tòa sơ thẩm đã không xem xét tới yếu tố đặc thù của PVN là một tập đoàn lớn, đa ngành, đa lĩnh vực. Tòa đã đánh giá bị cáo, TGĐ của PVN, như là TGĐ của dự án Thái Bình 2, kết án rất nặng chín năm tù” - ông Thực nói.

Trước đó, tòa sơ thẩm xác định dù biết PVC không đủ năng lực nhưng các bị cáo mà đứng đầu là nguyên chủ tịch PVN Đinh La Thăng vẫn chỉ định PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. PVC đã ký hợp đồng EPC số 33 xây dựng Thái Bình 2 với chủ đầu tư ban đầu là PVPower.

PVN đã cho PVC ứng hơn 1.000 tỉ đồng để thực hiện dự án Thái Bình 2. Tuy nhiên, nguyên chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh và cấp dưới tại PVC đã chi số tiền này sai mục đích, gây thiệt hại 119 tỉ đồng. Tòa sơ thẩm khẳng định ông Thực biết hợp đồng số 33 có thiếu sót về mặt pháp lý cũng như biết việc PVN cho PVC ứng tiền sai quy định.

Giải thích lý do kháng cáo kêu oan, ông Thực nói TGĐ của PVN không chỉ đạo một dự án Thái Bình 2 mà điều hành chung hàng chục dự án khác. “Tại dự án Thái Bình 2, bị cáo đã phân công cho ba phó TGĐ phụ trách gồm: Anh Nguyễn Quốc Khánh phụ trách kỹ thuật điện, Nguyễn Xuân Sơn phụ trách tài chính... Vì là tập đoàn lớn nên phân công, phân quyền rất rộng… Nếu việc xảy ra bình thường thì các phó TGĐ không phải báo cáo TGĐ, chỉ báo cáo khi bất thường… Tòa sơ thẩm chưa tính đến việc này” - ông Thực nói.

Cựu TGĐ PVN cũng cho rằng mình không có vai trò trong việc PVN tạm ứng cho PVC, tòa sơ thẩm chưa cá thể hóa hình phạt, không đánh giá tình tiết giảm nhẹ của ông, nhiều tình tiết gỡ tội không được đánh giá đầy đủ, toàn diện…

Về hợp đồng số 33, ông Thực khẳng định không được nghiên cứu nên không biết nó thiếu căn cứ pháp lý. “Bị cáo không bàn bạc việc ký kết hợp đồng số 33 vì đã ủy quyền rồi, ban TGĐ đã phân công một lãnh đạo thay mặt TGĐ chỉ đạo vấn đề này. TGĐ luôn yêu cầu các cấp phó nếu có khó khăn gì thì báo cáo” - ông Thực nói.

Về trách nhiệm trong việc dự án Thái Bình 2 chậm tiến độ, gây thiệt hại, ông Thực khẳng định lãnh đạo trực tiếp phụ trách phải chịu trách nhiệm chính, việc này được ghi rõ trong quyết định phân công. Ngoài ra, nếu dự án có khó khăn, cấp dưới phải chuyển công văn lên các bị cáo Khánh hoặc Sơn.

Chủ tọa đặt câu hỏi: Các văn bản có chuyển cho TGĐ không? Ông Thực khai rằng năm 2011, với 7.000 văn bản thì không thể gửi cả cho TGĐ. Có nhiều văn bản ông không được nhận, không biết. “Giao ban của ban TGĐ chỉ liệt kê những việc đang làm, chủ yếu nêu khó khăn, vướng mắc” - ông Thực khai.

Báo chí khó tác nghiệp

Tại phiên xử hôm qua, có thời điểm tín hiệu âm thanh truyền đến phòng tác nghiệp của báo chí bị mất, các PV không theo dõi được toàn bộ quá trình xét hỏi cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch Lương Văn Hòa.

Trước đó, trong ngày xử đầu tiên (7-5), khoảng 30 phút cuối của phiên xử buổi sáng, tín hiệu âm thanh truyền tới phòng tác nghiệp của báo chí cũng gặp trục trặc và các PV không thể theo dõi được diễn biến phiên xử. 

Theo Pháp Luật TP.HCM

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Đường sắt Việt Nam tiếp tục xảy ra sự cố tàu hoả trật bánh
(Ngày Nay) - Ngày 1/11/2024, trên tuyến đường sắt vào ga Hải Vân Nam (TP. Đà Nẵng) tiếp tục xảy ra vụ trật bánh tàu khiến 3 toa hàng lật, gây ách tắc đoạn tuyến qua đèo Hải Vân. Trước đó, đường sắt Việt Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tương tự, mà các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cần xem xét về yếu tố chất lượng, niên hạn toa tàu, nhất là toa tàu hàng.